Bình Phước - Nét đẹp văn hóa Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer

Thứ hai - 22/04/2024 05:03 42 0
Tết Chôl Chnăm Thmây là sự kiện có ý nghĩa mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer. Hàng năm, cứ đến dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là đồng bào Khmer lại hồ hởi đón mừng năm mới với nhiều hy vọng mới. Đây là dịp người dân nghỉ ngơi vui chơi sau một năm làm lụng vất vả, người đi làm xa cũng trở về đoàn viên với gia đình.
Đồng bào Khmer mang cây bông đến chùa Bồ Đề, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành
Đồng bào Khmer mang cây bông đến chùa Bồ Đề, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Bình Phước năm nay diễn ra từ ngày 14-4 đến 16-4-2024 (nhằm ngày mùng 6, 7 và 8 tháng 3 năm Giáp Thìn). Nét đẹp văn hóa Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là tết “thêm tuổi”. Thông thường những ngày này người Khmer tập trung vào chùa. Tại chùa, các vị chư tăng tổ chức những nghi lễ mang ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran “bước đi, tiến tới”, ngày thứ hai gọi là Wănă-băt “thiếu hoặc thừa”, ngày thứ ba gọi là Lờng săk “tiến lên, tăng lên”.
 

Đối với người Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được người Khmer quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới. Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới.

Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm, nên ngày xưa Tết Chôl Chnăm Thmây kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).

  Ba ngày này được tính theo lịch của người Khmer Campuchia. Người Khmer do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, họ tính đầu năm bằng hai lối vào: “Chôl” tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ. “Chnăm” tính theo chuyển động của mặt trời. “Chôl” được tính vào tháng 4 dương lịch, còn “Chnăm” thì thay đổi theo trăng tròn hay khuyết.

https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/4_2024/b7_12544115042024.jpg
Đồng bào Khmer múa rom-vong tại chùa Bồ Đề, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành

Phần lớn hoạt động của tết được diễn ra tại chùa với nhiều nghi thức tín ngưỡng Phật giáo, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian... Đây là dịp để cộng đồng dân tộc Khmer gặp nhau cùng ôn lại truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm sau một năm lao động, sản xuất. 

Gần đến ngày tết, các vị chức việc của các chùa Phật giáo Khmer (A-Cha, Ban quản trị) quy tụ các con em phật tử cùng với chư tăng tập trung dọn dẹp, trang trí, tô sơn lại ngôi chùa thêm nhiều màu sắc rực rỡ.

Những ngày này, không khí hân hoan đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 đang lan tỏa khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer đã diễn ra tại các địa phương có đông đồng bào sinh sống thuộc hai huyện Lộc Ninh, Chơn Thành như: Lễ hội Phá bàu, lễ diễu hành "Sene Arak Neak Ta", cúng Miễu, gói bánh tét...

Dịp này, các gia đình người Khmer ăn mặc đẹp. Nhà cửa đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bánh trái, hoa quả, cá thịt… sẵn sàng đầy đủ cho những ngày tết. Cho dù giàu hay nghèo dịp tết đều không thể thiếu được Num-chruc (bánh tét), Num-tiên (bánh ít) và Num Kh-nhây (bánh gừng)… Các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer và dùng để cúng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, dùng làm lễ vật, đi chùa và tiếp khách trong những ngày tết.

Thời gian qua, cộng đồng người Khmer trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Cùng với sự phát triển của xã hội, người Khmer không chỉ đơn thuần là phát rẫy làm nương mà hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều hộ vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương sáng cho đồng bào học tập, noi theo.

Cộng đồng người Khmer người Khmer trên địa bàn tỉnh luôn phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bà con luôn nâng cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phát triển. Ngoài ra, cộng đồng người Khmer còn nâng cao ý thức cảnh giác, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,833
  • Tháng hiện tại32,418
  • Tổng lượt truy cập1,334,481
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây