Bình Phước: Công tác dân vận góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ bảy - 11/02/2023 08:31 250 0
Tỉnh Bình Phước được tái lập vào ngày 01/01/1997, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Sông Bé thành tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương. Tỉnh có diện tích tự nhiên 6.873,556 km2, dân số hơn 1 triệu người, với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Về đơn vị hành chính, tỉnh có 11 huyện, thị xã, thành phố (03 thị xã, 01 thành phố, 07 huyện), 111 xã, phường, thị trấn (90 xã, 15 phường, 06 thị trấn) với 844 thôn, ấp, khu phố. Tỉnh có 258,939 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, nằm trên địa bàn 3 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập; có 01 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính và 01 lối mở qua lại biên giới. Khu vực biên giới gồm có 15 xã với tổng diện tích tự nhiên là 1.528,08 km2, dân số là 28.136 hộ =115.638 người, với 18 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, DTTS có 8.264 hộ = 32.207 khẩu, chiếm 27,85%; về Tôn giáo có 06 tôn giáo chính: Công Giáo; Phật Giáo; Tin lành; Cao Đài; Hòa Hảo và Hồi Giáo.
Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tặng gạo cho người nghèo  (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tặng gạo cho người nghèo (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Trong những năm qua công tác dân vận đã góp phần không nhỏ vào xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bình Phước đã rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận gắn với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm an ninh quốc phòng. Qua đó, tạo sinh kế giúp nhân dân ổn định cuộc sống, chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Những ngày đầu tái lập tỉnh với xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao (sau tái lập tỉnh, qua số liệu điều tra bước đầu có 22.991 hộ đói nghèo chiếm gần 18% số hộ trong toàn tỉnh). Với xuất phát điểm thấp, không có nhiều lợi thế nhưng công tác giảm nghèo của Bình Phước vẫn đạt được những kết quả rất ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn và chăm lo cho giáo dục và đào tạo và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của tỉnh. Lấy việc huy động, phát huy một cách tổng hợp các nguồn lực tham gia, động viên sự giúp đỡ lẫn nhau trong các dòng họ, xóm thôn, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà từ thiện và xem đây là phương châm có tính quyết định. Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo tại các huyện, thị; các đồng chí Tỉnh ủy viên- Thành viên Ban chỉ đạo theo dõi tại các xã nghèo. Trước sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách rất quan trọng trong thực hiện xóa đói giảm nghèo: tăng cường cán bộ chuyên môn cho các xã đặc biệt khó khăn và các xã nghèo với thời hạn tăng cường từ 1 đến 2 năm; Phân công mỗi doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ cho một xã nghèo; Thực hiện chương trình đưa bác sỹ quân y hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn và kết hợp dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi; các chính sách về tín dụng ưu đãi xóa đói giảm nghèo, chính sách về đất đai, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở, định canh định cư; chính sách hỗ trợ cây, con giống phục vụ sản xuất nông nghiệp; các chính sách về giáo dục, y tế...Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn tỉnh đã thực hiện qua các chính sách về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, chính sách sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới là gần 898 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2022, tỉnh đã xây dựng được 100 căn nhà tại 9 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và 3 điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đang đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng 500 căn nhà dân cư cho hộ nghèo biên giới, mở rộng các điểm dân cư liền kề đồn, Trạm Biên phòng, chốt dân quân biên giới cho ba huyện biên giới (gồm: Bù Gia Mập, Bù Đốp và huyện Lộc Ninh).

Đặc biệt, năm 2019 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đề ra Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo là đồng bào DTTS, đây là Chương trình đặc thù của tỉnh, tổng nguồn lực 4 năm (2019-2022) đã hỗ trợ giảm hộ nghèo DTTS là trên 386 tỷ đồng để hỗ trợ cho người nghèo DTTS được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách, hỗ trợ các chiều thiếu hụt của gia đình người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Kết quả trong 4 năm (2019-2022) toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra mỗi năm giảm 1000 hộ nghèo DTTS. Hiện nay tỉnh Bình Phước chỉ còn 2.879 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,03% trên tổng số hộ dân (trong đó có 1.696 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 58,7% tổng số hộ nghèo).

Đối với công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian qua cũng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại quốc phòng, kết nghĩa lực lượng vũ trang hai bên biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, hội đàm trao đổi thông tin tình hình hai bên biên giới, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết… Các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới của tỉnh thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tổ chức các buổi trao đổi tình hình, tuần tra song phương để kiểm tra, bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, có liên quan đến biên giới tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đến thăm thân, trao đổi hàng hoá, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Ngoài ra, công tác dân vận tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở cũng được Bình Phước chú trọng, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư về chủ trương thực hiện tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện, xã biên giới là cán bộ Đồn biên phòng. Từ năm 2020 tới nay tỉnh đã triển khai thực hiện, kết quả đã giới thiệu 14 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã, cán bộ tăng cường xã cụ thể (Cấp ủy cấp huyện: Tổng số có 02 đồng chí tham gia (gồm: 02 đ/c Đồn trưởng); Cấp ủy, cấp xã: Tổng số có 12 đồng chí tham gia; gồm 07 đồng chí cấp đội và 05 đồng chí là cán bộ tăng cường xã; Cán bộ tăng cường xã tổng số 05 đồng chí tham gia; là đảng ủy viên của 05 xã biên giới (Trong đó 01 đ/c phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, 03 đ/c phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy, 01 đ/c phó Chủ tịch MTTQ xã). Bình Phước đã xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019 - 2025” và Kế hoạch xây dựng điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng giai đoạn 2021 - 2025. Đã xây dựng được 09 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, 04 điểm dân cư liền kề Đồn biên phòng với 150 hộ dân/560 nhân khẩu. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 03/5/2013 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 30/5/2013 về tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã tham mưu, phối hợp với các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp tổ chức ký kết giao lưu nhân dân được 9 cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày 25/9/2015, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 47-CT/TU về “Tăng cường công tác dân vận xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển” trong tình hình mới. UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 29/3/2016 về tổ chức triển khai thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” trong tình hình mới đến các cơ sở, ban, ngành các huyện, thị, xã biên giới. Hiện nay có: 98/124 thôn; 24 các tổ chức chính trị, kinh tế, doanh nghiệp, trên địa bàn và 14.451 hộ gia đình đã ký kết thực hiện phong trào.

Những kết quả về công tác dân vận nêu trên đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của đồng bào trên khu vực biên giới của tỉnh, không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương và góp phần không nhỏ cho mối quan hệ đoàn kết, gắn bó hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Tuy nhiên, Bình Phước cũng còn không ít khó khăn, như: đời sống của đồng bào các dân tộc tuyến biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn, một bộ phận người dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khiếu kiện đất đai đông người, vượt cấp, vi phạm quy chế biên giới, các tệ nạn xã hội: trộm cắp, cờ bạc, mua bán sử dụng chất ma túy vẫn còn xảy ra, gây diễn biến phức tạp về an ninh trật tự trên khu vực biên giới của tỉnh.

Trong thời gian đến, Bình Phước xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt làm cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc về công tác dân vận, về công tác đối ngoại nhân dân, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt là công tác phối hợp thực hiện nghiêm Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển trong tình hình mới.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,697
  • Tháng hiện tại69,948
  • Tổng lượt truy cập1,168,082
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây