Xác định xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia; vận động nhân dân đồng thuận trong các việc cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cải tạo vườn tạp, bố trí lại các công trình vệ sinh, góp đất, hiến đất làm giao thông, thủy lợi, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới trong cả nước và được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2014. Từ xã điểm Tân Lập, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp. Người dân ngày càng hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong việc đóng góp sức người, sức của cùng nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó phát triển hệ thống giao thông được xác định là khâu đột phá. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã hỗ trợ xi măng, huyện, xã và nhân dân đối ứng kinh phí, nhân lực làm đường và với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cộng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên bức tranh nông thôn mới của tỉnh ngày càng khởi sắc. Tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có 03/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài), 02 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Chơn Thành và Đồng Phú); 66/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 12/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí đạt chuẩn trung bình của toàn tỉnh là 17,80 tiêu chí; 23 thôn, ấp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm…Phát huy lợi thế là tỉnh có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, Bình Phước đã tạo ra cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Người dân chuyển dần từ lao động thủ công sang sử dụng máy móc và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đồng thời tham gia vào các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác xã đảm bảo đầu ra sản phẩm. Là một tỉnh còn khó khăn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chọn cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương, đã biết khơi dậy sức dân, công khai dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở đã phát huy trách nhiệm; phân công, phân nhiệm từng cấp, từng ngành, từng thành viên ban chỉ đạo, từng cơ quan đơn vị sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Với nhiều cách làm hay sáng tạo, công khai, dân chủ, qua thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình về công tác dân vận, mô hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”; huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, tiêu biểu như: Mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế” của Hội Liên hiệp thanh niên thị xã Bình Long; Mô hình “Hợp tác xã trồng rau an toàn” của khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài; Mô hình “Chuỗi cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng” của Tổ 5, Khu phố Phú An, phường An Lộc, thị xã Bình Long; Mô hình Hợp tác xã chăn nuôi dê Lộc Hiệp” của Ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Mô hình “Tuổi trẻ Bình Phước xây dựng nông thôn mới”; Mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế” của Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Bình Long; Mô hình “Cựu chiến binh tự quản các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” của Hội Cựu chiến binh phường Tân Đồng, Đồng Xoài; mô hình “zalo an ninh” và “Camera an ninh” của thành phố Đồng Xoài; mô hình “Thắp sáng đường quê” và “Thắp sáng đường tuần tra biên giới” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước. Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng thưởng Bằng khen cho 18 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của công tác Dân vận, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các giải pháp giúp mọi người dân có cơ hội để vươn lên, được hỗ trợ, được khích lệ, hăng hái đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, làm giàu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phát động mạnh mẽ phong trào “Dân vận khéo” trong mọi công việc của xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới qua việc xác định những nội dung cụ thể trong việc tham gia, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai hàng năm; phong trào của các đoàn thể phải có mục tiêu và có sản phẩm cụ thể, tránh chung chung, hình thức.