"DÂN VẬN KHÉO" ĐIỂN HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÙ ĐỐP
Thứ hai - 06/07/2020 11:065990
Trong những năm qua phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Bù Đốp gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với những giải pháp đồng bộ. Thông qua những mô hình “Dân vận khéo” trong từng lĩnh vực đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh nhân dân địa phương, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong phát triển kinh tế, đây cũng là lĩnh vực có nhiều mô hình điển hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các xã trên địa bàn huyện, cụ thể: Hội Cựu chiến binh các xã thực hiện mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”, “giúp nhau vượt khó”, “giúp nhau xóa nghèo”, trong đó tiêu biểu là Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành với mô hình “Tấn gạo nghĩa tình” để giúp đỡ hội viên khó khăn lúc giáp hạt; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia góp phần xây dựng nông thôn mới, phát động đợt thi đua nuôi heo đất tiết kiệm "trao yêu thương nhận nụ cười"; Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; xây dựng các đoạn đường không rác, trồng các tuyến đường hoa tại các thôn, ấp, khu phố. Vận động xây tặng mái ấp tình thương, giúp nhau về vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2017 đến nay đã triển khai thực hiện đã xây dựng được 09 đoạn đường không rác, 10 đoạn đường sáng, 05 đoạn đường hoa, 30 lò đốt rác mini, xây tặng 16 mái ấm tình thương, 79 con dê, 03 con bò giống; Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập được 08 tổ hội nghề nghiệp (01 tổ nghề mộc, 02 tổ sản xuất hồ tiêu kết hợp chăn nuôi dê, 04 tổ sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững và 01 tổ sản xuất VAC), xây dựng 11 mô hình sản xuất nông nghiệp, 35 tổ hợp tác xã. Vận động nông dân tham gia phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, kết quả có gần 10.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Ủy ban nhân dân xã Tân Tiến thành lập Hợp tác xã Nhung hươu Bù Đốp, với 10 thành viên tham gia nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 5/7 xã, thị trấn triển khai mô hình hỗ trợ dê giống, heo rừng lai phát triển kinh tế cho thanh niên tại địa phương; Đoàn thanh niên các xã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào ngôi nhà nhân ái 1.000 đồng, phong trào công trình 1.000 đồng, ngôi nhà khăn quàng đỏ, đoạn đường “Thắp sáng đường quê”… Sửa chữa và làm mới nhiều khu vui chơi cho trẻ em trên địa bàn dân cư, triển khai mô hình “Tủ quyên góp quần áo cũ” tại các điểm khó khăn để hỗ trợ người dân. Đặc biệt trong năm 2019, Ban chỉ đạo vận động quần chúng liên ngành huyện phối hợp với MTTQ, các đoàn thể huyện và Khối dân vận xã Tân Tiến vận động nhân dân lắp đặt được 484 trụ đèn đường, với chiều dài gần 14 km, trị giá hơn 500 triệu đồng. Đạt được những kết quả “Dân vận khéo” nêu trên, huyện Bù Đốp đã có nhiều giải pháp tuyên truyền và định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đồng thời coi trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó chú trọng “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia giám sát, phản biện xã hội. Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, được quan tâm thực hiện tốt. “Dân vận khéo” gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại với nhân dân. Một số cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện những nội dung về: giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường, giải quyết những bức xúc, nổi cộm của nhân dân, không để xảy ra điểm nóng… Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội huyện coi trọng đổi mới tác phong công tác, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phối hợp với các lực lượng vũ trang tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư như: mô hình về phòng, chống tội phạm ở khu dân cư, thành lập được 38 mô hình "Tổ bảo vệ tự quản về an ninh trật tự" với 380 thành viên, 12 mô hình "Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu hoạt động hoặc có nhưng phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời" với 120 thành viên, 375 "Tổ an ninh nhân dân" với 757 thành viên... Trong thời gian qua, các mô hình trên đã tích cực hoạt động, tổ chức được 108 đợt tuần tra ban đêm, với 648 lượt người tham gia; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức hòa giải thành công được 419 vụ việc phát sinh trong nhân dân.
Đến nay toàn huyện đã đã triển xây dựng 27 mô hình tập thể và cá nhân hoạt động “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Theo đồng chí Cao Thị Hồng Mận – UVBTV huyện ủy – Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, chủ tịch UBMTTQVN huyện: về tổng thể, các mô hình hướng vào mục tiêu kết hợp giữa vận động với việc chăm lo lợi ích của nhân dân, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Từ thực tế trong công tác dân vận huyện Bù Đốp cho thấy để “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong đời sống, đạt hiệu quả phải có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Gắn liền với đó, công tác xây dựng các phong trào cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự thống nhất về nội dung, phương pháp triển khai. Phong trào phải đa dạng về nội dung và hình thức vận động quần chúng, việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho địa phương, đơn vị và nhân dân, tạo được sự chuyển biến thực chất trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.