Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, những năm qua Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung tổ chức triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác dân vận, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác Dân vận của Đảng được tăng cường, từng bước đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước có những chuyển biến, biểu hiện qua việc phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận; việc triển khai các chương trình, dự án tác động đến nhân dân đều lấy ý kiến của nhân dân; trong cải cách hành chính, sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân được tăng cường; công tác phối hợp giữa UBND, các sở, ban ngành, đơn vị LLVT với Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể cùng cấp ngày càng hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệu quả công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn bộc lộ một số hạn chế yếu kém đó là: Mối quan hệ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân bị giảm sút; việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa kịp thời; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận còn chậm, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ dân vận còn hạn chế; hoạt động của các đoàn thể quần chúng ở nhiều nơi còn mang tính hành chính hóa, dàn trải, hiệu quả thấp; nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp nhân dân chậm đổi mới, nhiều đoàn viên, hội viên không tha thiết gắn bó với đoàn thể của mình. Một số chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được xây dựng đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, nhưng công tác tổ chức, triển khai thực hiện của chính quyền chưa hiệu quả, chưa làm tốt công tác dân vận, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các lực lượng. Việc nắm tình hình địa bàn có lúc, có nơi chưa chắc, báo cáo không kịp thời; nội dung hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận hiệu quả chưa cao.
Những hạn chế nêu trên có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận, chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn yếu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận, nhất là trong việc phối hợp, giải quyết xử lý tranh chấp, khiếu kiện liên quan lĩnh vực đất đai còn chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, thiếu đồng bộ còn để dây dưa kéo dài. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân có lúc làm chưa tốt, phương pháp tập hợp quần chúng hiệu quả không cao, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế.
Mấy điểm nhấn cần được quan tâm trong công tác dân vận thời gian tới
Một là, Tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, trong đó tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo sao cho phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ đến nhân dân kịp thời. Phải làm cho nhân dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, làm cho nhân dân hăng hái, phấn khởi, tin tưởng, tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Các cấp ủy Đảng chỉ đạo sâu sát tình hình công tác dân vận, để cổ vũ, khen thưởng, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
Hai là, Tăng cường đối thoại của chính quyền với nhân dân, nhất là những hộ dân ở các vùng dự án, để lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cần phải gần dân, sát dân, học dân và có trách nhiệm hơn với nhân dân, để xây dựng Đảng, xây dựng một nền hành chính phục vụ thực sự vì nhân dân. Công tác dân vận hướng vào mục tiêu yên dân, an dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Xử lý kịp thời và dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp phức tạp liên quan đến đất đai (quy hoạch, giải tỏa, đền bù,…). Khi xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cần đảm bảo tính công khai, minh bạch của các chủ trương, chính sách các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, lấy ý kiến góp ý của hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. UBND các cấp phải có sự đánh giá tác động của dự án đến đời sống của người dân.
Ba là, Tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở trong các loại hình, trong đó cần phải nêu cao vai trò nêu gương của người đứng trong các cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện quy chế dân chủ; cần đẩy mạnh công tác kiểm tra và giám sát sau kiểm tra, xử lý nghiêm với các đơn vị, trường hợp vi phạm thực hiện Quy chế dân chủ.
Bốn là, Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể phải sâu sát cơ sở, bám dân, bám địa bàn khu dân cư và cần linh hoạt trong các hoạt động, kịp thời tham gia tuyên truyền, vận động khi có tình huống phát sinh hoặc những khó khăn khi người dân gặp phải (như thiên tai, địch họa,…nhất là dịch Covid – 19). Phải xây dựng và phát huy được vai trò của lực lượng nòng cốt ở cơ sở, của tổ chức đoàn, hội; phát huy được vai trò già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, ấp, khu phố trong việc tuyên tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân. Cần phải có cách nắm thông tin đa chiều, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nắm bắt tình hình, dư luận nhân dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả các Tổ, Đội tuyên truyền, phản ứng nhanh tăng cường cho các chốt giao thông và phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Năm là, Thường xuyên phối hợp giữa các lực lượng làm dân vận, để có sự đồng bộ trong hoạt động, trong tham mưu, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ dân vận. Tăng cường công tác phối, kết hợp với UBND, với các đơn vị LLVT, trong đó công tác dân vận cần phải tập trung hướng về cơ sở nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng cho nhân dân. Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bảo vệ ANCT - TTATXH. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác do các cấp, các ngành phát động.. Chú trọng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, mọi phong trào phải thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân. Có như vậy mới quy tụ, khích lệ được phong trào và sự tham gia của người dân.
Sáu là, Công tác dân vận hệ thống chính trị phải góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Thực hiện tốt tư tưởng Dân vận của Bác Hồ: “Người làm công tác dân vận không phải chỉ nói suông, không phải chỉ ngồi viết mệnh lệnh mà phải thật thà nhúng tay vào việc. Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Lời của Bác không chỉ với cán bộ làm công tác dân vận mà với tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị. Nhất là trong tình hình hiện nay, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Bình Phước đã chủ động nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 ở mức cao nhất, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh. Toàn hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao nhất, tất cả vì sức khỏe của nhân dân. Mỗi người một việc, mỗi ngành một nhiệm vụ, tích cực chủ động, ưu tiên công tác phòng chống Covid – 19. Bảo vệ sức khỏe nhân dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ kép, hơn lúc nào hết đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, quân, dân và toàn hệ thống chính trị, chung sức, chung lòng đẩy lùi Covid, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Vì vậy, tăng cường công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đúc kết lại một sự thật không thể phủ nhận đó là: Công tác dân vận là sức mạnh vô địch của Đảng “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.