Ban Dân vận Bình Phước

https://danvanbinhphuoc.vn


CHUYỂN BIẾN TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 01-ĐA/TU

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, những năm qua Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung tổ chức triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác dân vận, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác Dân vận của Đảng được tăng cường, từng bước đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước có những chuyển biến, biểu hiện qua việc phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận; việc triển khai các chương trình, dự án tác động đến nhân dân đều lấy ý kiến của nhân dân; trong cải cách hành chính, sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân được tăng cường; công tác phối hợp giữa UBND, các sở, ban ngành, đơn vị LLVT với Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể cùng cấp ngày càng hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệu quả công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã đề ra.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn bộc lộ một số hạn chế yếu kém đó là: Mối quan hệ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân bị giảm sút; việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa kịp thời; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận còn chậm, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ dân vận còn hạn chế; hoạt động của các đoàn thể quần chúng ở nhiều nơi còn mang tính hành chính hóa, dàn trải, hiệu quả thấp; nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp nhân dân chậm đổi mới, nhiều đoàn viên, hội viên không tha thiết gắn bó với đoàn thể của mình.  Một số chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được xây dựng đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, nhưng công tác tổ chức, triển khai thực hiện của chính quyền chưa hiệu quả, chưa làm tốt công tác dân vận, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các lực lượng. Việc nắm tình hình địa bàn có lúc, có nơi chưa chắc, báo cáo không kịp thời; nội dung hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận hiệu quả chưa cao. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 – ĐA/TU về nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 – 2020.

Qua 5 năm, nhìn chung các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, MTTQ, đoàn thể đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định Quốc phòng – an ninh. Chú trọng chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; những vấn đề nhân dân quan tâm được phổ biến rộng rãi thông qua các cuộc họp dân, hội nghị cán bộ, công chức, người lao động, các buổi tiếp xúc cử tri, hệ thống thông tin đại chúng báo, đài, bản tin dân vận, MTTQ, các đoàn thể,… Các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp trong công tác đoàn kết, tập hợp nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân dân cơ bản tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương, đồng thuận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, nhân dân hăng hái tham gia tích cực vào các cuộc vận động, các phong trào thi yêu nước của địa phương, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cũng như các mục tiêu Đề án 01 của Tỉnh ủy đề ra, cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,15% so với nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43%; ngành dịch vụ chiếm 36,5%. Quy mô nền kinh tế đạt 68.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. Tng sn phm trong tnh (GDP) bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), gấp 1,54 lần so với năm 2015. (so với chỉ tiêu đề án đều vượt). Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, có sự đổi mới, sáng tạo trong phương pháp lãnh đạo, điều hành chính sách giảm nghèo ngày càng thiết thực, hiệu quả. Nhất là đối với chương trình xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, được phát động, thực hiện từ năm 2019. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,55%, giảm 3,6% so với đầu nhiệm kỳ, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đã thành lập Quỹ an sinh xã hội với diện tích cao su đưa vào khai thác từ năm 2019 là hơn 3.200 ha. Hàng năm 90% hội đoàn thể ở cơ sở  xếp loại khá trở lên; một số đoàn thể đã thu hút được trên 80% quần chúng vào tổ chức hội, đoàn thể. Hàng năm có trên 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có trên 60% trở lên thôn, ấp, khu phố đạt thôn/âp/khu phố văn hóa. Chương trình đô thị hóa được tập trung các nguồn lực đầu tư, tỷ lệ đô thị hóa đạt 32% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được nâng cấp, đầu tư mới. Đồng Xoài được nâng cấp từ thị xã lên thành phố thuộc tỉnh vào năm 2018, mở ra nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đồng Xoài và tỉnh Bình Phước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chung tay xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67%; có 5/11 đơn vị cấp huyện (huyện Đồng Phú, Chơn Thành, thị xã Bình Long, Phước Long, thành phố Đồng Xoài) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết là 50% xã và 01 huyện). Thành công này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm…  

Tóm lại, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án 01 – ĐA/TU của Tỉnh ủy được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang quan tâm thực hiện có hiệu quả. Công tác dân vận trong những năm qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét hơn. Mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án được cụ thể hóa thành các kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Công tác dân vận của các cấp ủy đảng được tăng cường ngày càng sâu sát hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tình hình và giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp nhân dân. Công tác dân vận chính quyền và các cơ quan nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được kiện toàn, củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền. Các lực lượng vũ trang luôn bám sát địa bàn giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia công tác xây dựng củng cố hệ thống chính trị và các hoạt động dân vận ở cơ sở. Tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu; phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ hiệu quả hơn. Kết quả công tác dân vận của hệ thống chính trị thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguồn tin: Anh Đào

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây