Ban Dân vận Bình Phước

https://danvanbinhphuoc.vn


NGHỆ THUẬT KHEN, CHÊ, KỸ NĂNG “KHÉO” TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DÂN VẬN

Công tác dân vận vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Do vậy, mỗi người làm công tác dân vận phải thực sự có những phẩm chất cần thết, nhất là uy tín để thu hút quần chúng, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện các kỹ năng, giỏi thuyết phục, khéo léo khi tuyên truyền, biết vận dụng trong từng hoàn cảnh, đối tượng con người cụ thể. Quá trình này phải được bồi dưỡng, tu dưỡng rèn luyện và được trưởng thành trong hoạt động thực tiễn tuyên truyền, vận động quần chúng. Ngoài yêu cầu về nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết có vốn thực tiễn phong phú…, để  được quần chúng hiểu, tin tưởng và làm theo thì người cán bộ làm công tác dân vận nhất định còn phải có phẩm chất, năng lực thuyết phục, cảm hóa, thu hút người khác.
          Một sự thật khá phổ biến hiện nay là nhiều cán bộ chưa được đào tạo về kỹ năng tiếp dân, mà trước nhất là kỹ năng giao tiếp. Thái độ đối đãi thiếu lịch sự, hách dịch, cửa quyền… của cán bộ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hài lòng, mâu thuẫn, thậm chí xung đột với người dân. Muốn xóa đi khoảng cách đó, người cán bộ không chỉ biết cười, biết xin lỗi, biết cảm ơn… mà cần phải được trang bị kiến thức toàn diện về kỹ năng giao tiếp. Cán bộ dân vận phải gần dân, tiếp xúc với dân để tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thành thực lắng nghe dân bằng sự nhạy cảm của trái tim và sự sáng suốt của lý trí. Để thành công trong giao tiếp, tiếp xúc với dân người cán bộ dân vận cần nắm rõ những yếu tố sau
          1. Đối tượng giao tiếp
          Để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ dân vận phải nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng, phải hiểu được ít nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng, miền mới có thể vận động quần chúng có hiệu quả. Mỗi nhóm đối tượng giao tiếp khác nhau, có tâm lý khác nhau. Chẳng hạn như khi tiếp xúc với người cao tuổi thì cần thể hiện thái độ cung kính, lễ phép, “kính lão đắc thọ”, luôn thể hiện sự cần thiết phải học hỏi từ các vị cao niên, luôn thể hiện sự chú ý lắng nghe, nói ít nghe nhiều, tuyệt đối không cắt ngang, không tranh luận với người cao tuổi. Đó vừa là đạo lý cũng vừa là nghệ thuật trong giao tiếp. Đối với những người trí thức, có học vấn, sự hiểu biết cao, nên khi tiếp xúc phải luôn tôn trọng, nên khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý của họ dù có thể đó là những ý kiến mang tính phản biện “gai góc” nhưng mang tính xây dựng, chân tình, tâm huyết và có trách nhiệm. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số là những người rất thật thà, chất phác, tốt bụng, cho nên khi tiếp xúc tránh giữ kẽ, khách sáo; điều quan trọng nữa là phải thấu hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ bởi đây là điều kiện quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn.
2. Chú ý hình thức trong quá trình giao tiếp
Khi cán bộ dân vận tiến hành hoạt động tiếp xúc với người dân thì cũng cần quan tâm các yêu tố hình thức phù hợp như: đầu tóc, quần áo, giày dép… sao cho gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm túc, chỉn chu. Cần tránh cả hai hình thức cực đoan không phù hợp: hoặc là quá lòe loẹt, hoặc là quá tuyềnh toàng, nhếch nhác. Trên thực tế, tùy vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể mà người làm công tác dân vận có sự chuẩn bị về hình thức cho phù hợp, tránh gây phản cảm.
3. Chú ý  thái độ khi giao tiếp
Cán bộ làm công tác dân vận trong khi giao tiếp cần có thái độ cởi mở, thần thái phải tươi vui và hãy nhìn vào đối tượng khi đang trao đổi, trò chuyện. Điều đó cũng có nghĩa là nên tránh thái độ lạnh nhạt, hờ hững. Người dân khi chủ động gặp cán bộ thì thường là trong tâm trạng bức xúc  về một vấn đề gì đó và qua tiếp xúc là dịp để tâm sự, giải bày và mong được cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ cán bộ. Hãy bày tỏ sự quan tâm, hỏi thăm, động viên và biết lắng nghe để cảm thông và chia sẻ một cách chân tình.
Người cán bộ cần nhận thức rằng, ở người dân bình thường nhất, trình độ học vấn thấp nhất cũng có thể có được những ý kiến hay, bởi họ là những người hàng ngày đối mặt với thực tiễn cuộc sống. Muốn thực sự tôn trọng dân, tích cực thu thập, phân tích và sử dụng thông tin tại thực tế cuộc sống, cán bộ phải coi dân như “thầy” của mình (quan điểm này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “học ở nhân dân”). Thái độ tôn trọng dân sẽ tạo cho người dân cảm thấy được tin cậy, kích thích họ tích cực suy nghĩ, tham gia góp ý kiến. Ngược lại, người dân sẽ không nhiệt tình góp ý, bàn bạc nếu biết trước rằng người lãnh đạo chỉ nghe mà không lưu tâm đến ý kiến của họ, không có thái độ tôn trọng họ.
3. Biết lắng nghe, động viên kịp thời
Trong giao tiếp, khi có người nói thì phải có người nghe. Nhưng trên thực tế đôi khi có tình trạng là mạnh ai nấy nói. Để tránh tình trạng này, người cán bộ dân vận cần thực sự chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân. Việc chú ý lắng nghe còn là biểu lộ thái độ cầu thị, ham học hỏi và tôn trọng người nói. Hơn nữa, khi lắng nghe một cách chăm chú thì về mặt tâm lý người dân cảm thấy được hiểu và tôn trọng. Điều này rất cần thiết và có lợi rất nhiều khi ta triển khai, tuyên truyền một kế hoạch, chủ trương hay phong trào trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc động viên kịp thời đúng lúc, đúng thời điểm là một yếu tố khích lệ tinh thần to lớn. Khi được khen thưởng, động viên người dân sẽ có thêm động lực cho bản thân và gia đình để qua đó tiếp tục phấn đấu tốt hơn trong thực hiện các phong trào chung cũng như trong công việc, trong lao động và học tập. Tuy nhiên, khen cũng là một nghệ thuật. Khen phải chân thật, đúng người, đúng việc, đúng nơi, đúng lúc, đúng mức độ, nếu không dễ dẫn đến phản tác dụng. Đặc biệt đối với những người dân có lòng tự trọng cao. Mặt khác, khi nhận xét, đánh giá hay góp ý cần thực hiện nguyên tắc: Khen trước, chê sau; khen nhiều, chê ít; ưu điểm là chủ yếu, hạn chế là thứ yếu; khen có thể nói trước đám đông, nhưng chê - nếu được – thì nên trao đổi riêng, ngoại trừ sai phạm đã quá rõ ràng không thể phủ nhận, lẩn tránh.
4. Nắm vững kỹ năng thuyết phục, luôn thể hiện sự thân thiện, quan tâm
Trong quá trình tiếp xúc, tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất thiết mỗi cán bộ phải có kỹ năng thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng bằng lời nói và việc làm sinh động, bằng các sự kiện thực tế, khiến mọi người hiểu rõ, tin tưởng và quyết tâm hành động. Phải bằng những luận chứng, luận cứ khoa học, những dữ kiện, sự kiện, tài liệu, thực tế để minh chứng cho vấn đề muốn truyền đạt là đúng đắn, có cơ sở. Bên cạnh đó phải bằng những lập luận khoa học để bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở nhân dân. Ở kỹ năng này, cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, cần phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm đồng thời phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đó cũng chính là thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây