Ban Dân vận Bình Phước

https://danvanbinhphuoc.vn


Tìm hiểu về giáo lý, giáo luật và lễ nghi của Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo ra đời năm 1939 tại làng Hòa Hảo (thị trấn Phú Mỹ), huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Hiện nay Phật giáo Hòa Hảo thành lập hệ thống giáo hội 2 (hai) cấp gồm: Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo và Ban Trị sự cấp xã, phường nhằm giúp đồng đạo sinh hoạt tôn giáo theo Hiến chương và thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình theo quy định của pháp luật.
Ảnh: Sấm giảng Thi văn giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo. Nguồn internet
Về giáo lý, Phật giáo Hòa Hảo tuy mượn danh Phật giáo nhưng không dùng giáo lý chính thống của Phật giáo, chủ yếu dựa vào tín ngưỡng dân gian và các câu sấm giảng của Trạng Trình để thu hút và gây niềm tin sâu sắc trong tín đồ. Ông Huỳnh Phú Sổ khuyên tín đồ ăn ngay ở lành, ra sức làm những điều thiện, bài xích bọn tham ô quan lại áp bức bất công, đả kích đồng bóng mê hoặc dân chúng làm tiền. Những lời giáo huấn, cầu nguyện, tiên tri do ông Huỳnh Phú Sổ truyền dạy được chép thành từng cuốn gọi là Sấm giảng viết theo dạng thơ hoặc văn vần, giản dị dễ nhớ.

Kinh sách của Phật giáo Hòa Hảo bao gồm phần Sấm giảng giáo lý và phần Thi văn giáo lý. Sấm giảng giáo lý chủ yếu dựa vào hình thức tín ngưỡng thần bí, vào các câu sấm giảng của Trạng Trình. Giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo tóm gọn trong 4 chữ “Học Phật tu Nhân” và cốt lõi của học Phật tu Nhân là Tứ ân: Ân tổ tiên, cha mẹ; Ân đất nước; Ân tam bảo; Ân đồng bào nhân loại.

Sức lôi cuốn của Phật giáo Hòa Hảo với tín đồ về phương diện giáo lý chính là nêu cao đạo lý làm người, biểu hiện trước hết ở Tứ ân. Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo chứa đựng các tư tưởng của Nho, Phật, Lão bởi “Tứ ân” là một hình thức “Tam giáo đồng nguyên”. Trong đó Phật giáo là tính trội. Theo Phật giáo Hòa Hảo học Phật tạo nên đức, tu nhân tạo nên công, có công có đức mới trở thành bậc hiền nhân.

Về giáo luật, Phật giáo Hòa Hảo chủ trương niệm Nam Mô A Di Đà Phật (tức niệm lục tự Di Đà). Tín đồ thực hiện 8 điều răn của Đức Giáo chủ, xem đó như là giới luật của đạo:

Một là, không nên uống rượu, cờ bạc, thuốc phiện, chơi bời, đàng điếm, phải giữ trọng luân lý tam cương, ngũ thường.

Hai là, không nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chân chất, không nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.

 Ba là, không nên ăn xài chưng diện thái quá và lợi dụng tiền tài mà quên nhân nghĩa đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.

Bốn là, không nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh hoặc nguyền rủa, vì thần thánh không can phạm đến ta.

Năm là, không ăn thịt trâu, bò, chó và sát sinh hại vật mà cúng Thần, Thánh vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ chịu tội, còn những hạng ăn đồ cúng mà hết bệnh là Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.

Sáu là, không nên đốt giấy, tiền, vàng, bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy cứu trợ cho những người nghèo khổ, tàn tật.

Bảy là, đứng trước mọi việc gì về sự đời, hay đạo đức, phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.

Tám là, phải yêu thương lẫn nhau như con một cha, dìu dắc nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ được trọn lành, trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sinh.

Những lời khuyên răn trên phê phán mê tín dị đoan, dùng tà thuật bùa chú chữa bệnh và phê phán việc “hối lộ” Thần Thánh để chuộc tội là những tư tưởng tiến bộ của Phật giáo Hòa Hảo.

Thủ tục nhập đạo: người muốn vào đạo phải đủ 18 tuổi, tự nguyện viết đơn xin nhập đạo, có hai người tín đồ giới thiệu. Đến Ban Trị sự cơ sở ghi danh, học giáo lý, giáo luật và phải xin phép cha mẹ mình về tự nguyện quy y theo đạo.
Nếu muốn ra khỏi đạo, thì báo trước cho người tiến cử và Ban trị sự cơ sở để xóa tên trong danh sách.

Về nghi lễ, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là cư sỹ tại gia, họ không thờ những thần thánh nếu không rõ xuất xứ, không có nghi thức hành lễ tập thể tại những nơi thờ tự chung mà chỉ có nghi thức hành lễ cá nhân trước bàn thờ Tổ tiên, bàn thờ Phật và bàn thông thiên. Tại các bàn thờ mỗi tín đồ đều có các hoạt động: xá, lạy, nguyện (bài đọc) và niệm Phật. Mỗi gia đình có 3 bàn thờ: bàn thờ Phật đặt nơi cao nhất chỉ treo Trần dà; bàn thờ Tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thời Thông Thiên thờ ngoài trời ở trước cửa nhà. Sau này họ có thờ ảnh ông Huỳnh Phú Sổ, thường đặt dưới tấm trần dà. Đi làm ruộng khi xa nhà đến giờ cúng ngó về hướng Tây nguyện rồi xá 4 hướng. Đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được.

Về lễ vật thờ cúng: Phật giáo Hòa Hảo thờ Phật, nhưng không bằng tượng cốt, tranh ảnh. Mà thờ Phật bằng tấm vải Trần dà thay cho tấm vải Trần Điều của Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng cùng một quan niệm là “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Đồ thờ cúng Phật, cúng trời đất ở bàn thờ thông thiên thường có nước lạnh, hoa và hương.

Lễ vật cúng ông bà tổ tiên là đồ chay hoặc mặn tùy ý. Không dùng vàng mã trong cúng giỗ, họ cho rằng đó là điều giả tạo, lãng phí không cần thiết.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây