Ban Dân vận Bình Phước

https://danvanbinhphuoc.vn


NGHĨA TÌNH LỘC NINH

Huyện Lộc Ninh trong chiến tranh từng là căn cứ cách mạng, nơi đóng trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ vùng đất lửa này, quân dân ta đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt nhưng cũng phải chịu nhiều mất mát đau thương.
Các CCB bàn giao hài cốt liệt sĩ cho gia đình đưa về quê hương
        Tháng ba. Chúng tôi về xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh khi những vệt nắng ban mai đang rắc vàng trên những sườn đồi cao su nối tiếp nhau dệt một màu xanh dài tít tắp. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Miện, Đội trưởng Đội tìm kiếm, cất bốc, đưa tiễn hài cốt liệt sĩ huyện Lộc Ninh, chia sẻ: “Mảnh đất Lộc Hòa chính là nơi chứng kiến quá khứ đau thương nhưng rất hào hùng của người dân Lộc Ninh, với nhiều trận đánh giữa quân ta với địch. Ác liệt nhất vẫn là cuộc đụng độ của Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) với Trung đoàn 11 thiết giáp và lính bộ binh Mĩ, khiến quân số thương vong rất nhiều”. Điều khiến ông Miện và đồng đội trăn trở là chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng mới tìm thấy 13 hài cốt liệt sĩ tại đồi 224 và một số liệt sĩ thuộc các đơn vị khác từng tham gia chiến đấu trên địa bàn.
       Theo lời ông Miện, ngày 16-10-2009, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện Lộc Ninh được thành lập với 8 thành viên do ông làm đội trưởng và Cựu chiến binh Bùi Qúy Từ làm đội phó. Những năm đầu, công việc tìm kiếm rất khó khăn, vì Lộc Ninh là vùng biên giới, các dấu tích của chiến trận năm xưa nơi đồng đội hy sinh đã qua hàng chục năm, nhiều nơi phải xác định nhiều lần qua các thông tin của đồng đội, cùng đơn vị từng chiến đấu vẫn không tìm thấy liệt sĩ. Nhưng điều đó không làm ông và đồng đội chùn bước. Sau nhiều khó khăn vất vả, niềm vui cũng đến trong năm 2009, khi hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Khuất (quê huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) được tìm thấy đầu tiên.

  CCB Nguyễn Văn Miện (trái) và CCB Bùi Qúy Từ đang xem lại thông tin bộ đội hy sinh tại Đồi 224 (xã Lộc Hòa).

       Dựa trên danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 28-11-1968 tại Đồi 224 của Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân đoàn 4 cung cấp có ghi rõ nhân thân và lai lịch, ông Miện rà soát số liệt sĩ đã có thông tin, số liệt sĩ đã tìm thấy, khai quật, cất bốc đưa tiễn về các nghĩa trang quê nhà. Nhiều chuyến đi, ông Miện tự lo chi phí ra Bắc nhiều ngày mới trở về nhà.
         Trong hơn 14 năm tìm kiếm, có những kỷ niệm mà Cựu chiến binh Miện nhớ mãi. Đó là vào năm 1998, trong lần ngồi xe đò từ TP Hồ Chí Minh về Lộc Ninh, tình cờ ông quen biết hai người cũng tìm về UBND xã Lộc Hòa. Hỏi chuyện mới biết hai người quê Hà Tây vào liên hệ địa phương tìm hài cốt người bác đã hy sinh tại cao điểm Đồi 224. Ông Miện đã mời họ về nhà tá túc để tiếp tục tìm kiếm. Ông kể: “Khi ấy mới từ Thanh Hóa vào, nhà cửa còn tuềnh toàng, thậm chí giường ngủ cũng không có, phải trải tấm bạt nằm tạm trên nền đất. Lúc đó tôi đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Hòa. Nhà có chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại cũng nhường cho hai người đi tìm hài cốt liệt sĩ. Không thông thạo đường nên họ đi lạc qua đất Campuchia. Cũng may được các chiến sĩ biên phòng Đồn Hoa Lư tìm thấy đưa về. Thú thực sau ba ngày không thấy họ quay lại, vợ tôi nghi hoặc nghĩ họ lấy luôn xe máy. Tôi động viên “bà xã”, chắc hai người đi lạc chứ chiếc xe 78 cũ rích ai mà cần… Trở lại, hai người mừng lắm, rối rít cảm ơn gia đình. Sau đó, tôi dẫn họ đến gặp ông Điểu Re, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, là cán bộ C31 trực tiếp chiến đấu tại cao điểm Đồi 224. Qua câu chuyện của hai người, già làng Điểu Re đưa chúng tôi đến một vườn cà phê gần suối, mới biết hai liệt sĩ đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh. Đây là hai liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy tại xã Lộc Hòa. Ôm mộ liệt sĩ, hai người nhà vui mừng, nước mắt giàn giụa”.
      Cựu chiến binh Bùi Qúy Từ (nhập ngũ năm 1974, nguyên cán bộ Đồn Biên phòng cửa khầu quốc tế Hoa Lư) là một trong những người sống sót trong lần quân Pôn Pốt tập kích đơn vị đêm 27, rạng sáng 28-01-1978. Trận tập kích của trung đoàn Pôn Pốt vào Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư làm 34 cán bộ, chiến sĩ hy sinh (27 đồng chí hy sinh tại đồn, 7 đồng chí bị thương nặng và hy sinh trên phần đất Campuchia). Chứng kiến đồng đội hy sinh, thấu được nỗi đau của gia đình liệt sĩ, lúc phục viên, ông Từ tham gia vào đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Lộc Hòa. Là người bản địa và có nhiều năm cùng gia đình sinh sống làm ăn trên đất Campuchia, nên ông Từ nói tiếng Campuchia rất sõi. Khi các đoàn đến Lộc Hòa, qua Campuchia tìm liệt sĩ đều có ông Từ theo phiên dịch.
      Trong 14 năm qua, tuy khó khăn vất vả nhưng những Cựu chiến binh xã Lộc Hòa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm và cất bốc 61 bộ hài cốt liệt sĩ, bàn giao cho gia đình và đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho nhiều người. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Miện cho biết, ông sẽ bàn bạc với Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Lộc Ninh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước, tổ chức Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện Lộc Ninh với quy mô lớn hơn. Ông sẽ tuyển chọn thêm một số hội viên biết tiếng Campuchia và “điểm đến” sắp tới sẽ là các liệt sĩ còn nằm lại Đồi 224, Thung lũng ấp 6, ấp 8 và gần Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
       Chiến tranh lùi xa gần 50 năm, những người lính từng tham chiến trên vùng đất Lộc Ninh vẫn đau đáu tìm về ký ức. Kể cả người lính trước đây bên kia chiến tuyến. Lộc Ninh - Vùng đất lửa vẫn luôn tri ân thao thiết nghĩa tình.
 

Nguồn tin: Duy Hiến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây