Ban Dân vận Bình Phước

https://danvanbinhphuoc.vn


TP ĐỒNG XOÀI: MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Trong những năm qua, thành phố Đồng Xoài đã tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; đặc biệt áp dụng cơ chế làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù thiết kế mẫu của UBND tỉnh trên địa bàn thành phố đã góp phần trong phát triển đô thị nói chung và hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của thành phố nói riêng.
Tuyến đường thuộc Khu phố 3, phường Tân Đồng, được hoàn thành vào dịp tết Canh tý 2020.
Năm 2014, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài (nay là thành phố Đồng Xoài) là 01 trong 02 xã được UBND tỉnh lựa chọn làm thí điểm áp dụng làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù thiết kế mẫu. Qua 06 năm triển khai áp dụng làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù thiết kế mẫu, thành phố Đồng Xoài đã hoàn thành đưa vào sử dụng 615 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 324,8 km; trong đó: 02 xã nông thôn mới có 111/111 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 139,2 km được bê tông hóa, đạt 100%; Bên cạnh đó, phong trào xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng đối với các tuyến đường đã được bê tông hóa, nhựa hóa được triển khai thực hiện, được sự đồng thuận của nhân dân; đến nay có 509/615 tuyến đường với tổng chiều dài 218,7 km được lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng; trong đó: 02 xã nông thôn mới có 111,4 km/139,2km đã lắp đặt điện đường chiếu sáng, đạt 80% (Tiến Hưng đạt 94,2%, Tân Thành 66,1%).
Từ những kết quả đạt dược trong làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù, một số bài học kinh nghiệm của thành phố là:
- Về công tác tổ chức, triển khai làm đường giao thông nông thôn:
Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự đồng lòng của người dân. Trong thực hiện, phải lấy sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, của người đứng đầu để mọi người học tập và noi theo.
- Phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân:
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã huy động được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn, khơi dậy và phát huy nguồn lực trong nhân dân để xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường cùng các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh môi trường; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh làm khang trang, sạch đẹp đường làng, ngõ xóm, xây dựng các tuyến phố văn minh.
- Về công tác tổ chức thi công:
Phải triển khai thực hiện dân chủ công khai minh bạch, thực hiện theo đúng quy định, việc thực hiện thi công đảm bảo đúng trình tự, yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo theo đúng thiết kế mẫu hướng dẫn của UBND tỉnh, chọn đơn vị thi công có  đủ năng lực.
- Về công tác giám sát cộng đồng:
Phát huy vai trò giám sát của tổ giám sát cộng đồng và nhân dân, đảm bảo chất lượng đường theo đúng thiết kế mẫu, công tác giám sát phải chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thi công.

Nguồn tin: Đức Mậu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây