Tỉnh Bình Phước có 08 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Cơ đốc Phục lâm với tổng số 354 cơ sở tôn giáo, 349 chức sắc, 2.099 chức việc, 243.087 tín đồ (chiếm khoảng 24% dân số).
Đoàn kết tôn giáo luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, có ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới hiện nay. Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã không ngừng nỗ lực góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Mặt trận đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng và thực hiện tốt chính sách tôn giáo, bảo đảm tôn trọng, đoàn kết, cùng nhau phát triển. Điều đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn tỉnh cũng như ở địa phương, cơ sở có đông đồng bào tôn giáo. Khối đại đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà.
Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chú trọng việc đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc, đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó thực hiện chính sách, pháp luật, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, với phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các ngành liên quan, các cấp Mặt trận đã tăng cường phát huy vai trò, sự ảnh hưởng tích cực của những người có uy tín, tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc trong tuyên truyền, phổ biến, giải thích về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Từ đó, xây dựng niềm tin của Nhân dân cũng như đồng bào tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là khu dân cư nơi có các cơ sở tôn giáo đã chủ động thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, động viên, chúc mừng các chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo; triển khai nhiều chương trình hoạt động cho các khu dân cư có đông tín đồ tôn giáo nhân các ngày Lễ trọng của tôn giáo. Thực hiện phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", các cấp Mặt trận và các đoàn thể luôn bám sát cơ sở, phát huy vai trò của cốt cán phong trào tôn giáo, các nhân tố tích cực, người tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo, kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con dân tộc, bà con tín đồ tôn giáo để kịp thời tuyên truyền, giải thích, vận động cũng như phản ánh với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp; Chủ động đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động của một số phần tử xấu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật, ổn định tư tưởng của Nhân dân và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Mặt trận các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận chủ trì phát động. Kết quả tuyên truyền được 467 cuộc với 4.195 người tham dự. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp văn hoá đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhiều mô hình, điển hình đã được xây dựng.
Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp thăm, tặng quà và động viên chức sắc tiêu biểu các tôn giáo với tổng trị giá 80 triệu đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị thành phố cũng đã tổ chức đi thăm, tặng quà chúc mừng các tổ chức tôn giáo nhân dịp lễ phục sinh và tết cổ truyền của dân tộc với 215 phần quà, trị giá 215 triệu đồng …Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc còn vận động các tổ chức tôn giáo tham gia đăng ký chương trình an sinh xã hội, để chăm lo cho người nghèo. Kết quả, các tổ chức tôn giáo đã vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, quà tặng cho người nghèo, hỗ trợ học bổng, ….trị giá 55 tỷ 246,96 triệu đồng (Trong đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh vận động được 36 tỷ 897,5 triệu đồng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh 11 tỷ 783, 56 triệu đồng, Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài tỉnh 4 tỷ 612, 5 triệu đồng; Ban Đại diện Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh 1 tỷ 953 triệu đồng).
Chủ động phối hợp và hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ giúp đỡ các tổ chức tôn giáo nhân dịp sự kiện, các ngày Lễ lớn của các tổ chức tôn giáo như: Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; Lễ phục sinh của đồng bào Công giáo và Tin lành; Đại Lễ Phật đản và Lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo,…Kết quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức đi thăm, tặng 1.930 phần quà, trị giá 1 tỷ 007,9 triệu đồng (trong đó, thăm Têt Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer 536 phần, trị giá 226, 2 triệu đồng; thăm lễ phục sinh được 267 phần quà, trị giả 150 triệu đồng; thăm lễ Phật đản được 983 phần, trị giá 466 triệu đồng; thăm lễ Vu Lan 144 phần quà, trị giá 165,6 triệu đồng). Dịp Lễ Vu Lan báo hiếu PL2566 - DL 2022, các cơ sở tự viện của Phật giáo đã vận động và trao tặng được 8.764 phần quà, cấp 200 thẻ BHYT, trị giá 2 tỷ 553,2 triệu đồng, …tất cả các phần quà trên đã được các cơ sở Phật giáo lựa chọn và trao tận tay cho đồng bào phật tử nghèo trong tỉnh.
Công tác vận động tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quan tâm triển khai nghiêm túc, đã cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch đã được ký kết giữa các địa phương với các cơ sở tôn giáo đứng chân trên địa bàn, phát huy được vai trò của tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; các tổ chức tôn giáo và đồng bào tôn giáo đã có nhiều việc làm, nhiều hoạt động thiết thực với những mô hình, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”, tăng cường sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó tuyên truyền, giáo dục người dân hạn chế sử dụng các loại vật liệu nhựa, túi ni lông, vận động bà con giáo dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt hàng ngày; xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, như “Xứ đạo Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, xóm đạo bình yên tại ấp 3, xã Lộc Điền, Giáo xứ bình yên của giáo xứ Lộc Quang,... góp phần phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn khu dân cư.
Thông qua các hoạt động cụ thể, Mặt trận đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào tôn giáo tham gia thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2022.