NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC; THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BIÊN GIỚI BÙ ĐỐP

Thứ năm - 12/09/2024 22:21 50 0
Bù Đốp là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía phía bắc của tỉnh Bình Phước, có đường biên giới dài 86,376 km tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên là 38.008,46 ha. Dân số toàn huyện 60.123 người với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân số người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 18,28% dân số toàn huyện. Huyện có 06 xã, 01 thị trấn với 52 khu dân cư. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạn tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, quan tâm thực hiện tốt các chương trình chính sách giúp các hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất đời sống nhân dân ổn định.
Sau 20 năm thành lập, Bù Đốp ngày nay đã có nhiều đổi khác. Trong ảnh: Một góc cơ sở hạ tầng, khu dân cư ở xã nông thôn mới nâng cao Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.                                          Nguồn ảnh: Báo Bình Phước Online
Sau 20 năm thành lập, Bù Đốp ngày nay đã có nhiều đổi khác. Trong ảnh: Một góc cơ sở hạ tầng, khu dân cư ở xã nông thôn mới nâng cao Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Nguồn ảnh: Báo Bình Phước Online
Nhận thức được ví trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc, lãnh đạo huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc một cách sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách công tác dân tộc. Trong đó đặc biệt đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Về công tác dân tộc” và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số.  Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc được củng cố, tăng cường với hiệu lực, hiệu quả quản lý tăng lên và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Bù Đốp có nhiều bước phát triển khá toàn diện. Qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 175 hộ với nguồn vốn 2.863 triệu đồng; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 109 hộ với tổng nguồn vốn là 1.147,65 triệu đồng; Hỗ trợ đất ở cho 02 hộ với kinh phí 100 triệu đồng; Hỗ trợ nhà ở (xây mới, sửa chữa) cho 75 hộ kinh phí 5.376 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ, làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn và cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, đầu tư vào các công trình hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện với tổng kinh phí 14.926,5 triệu đồng. Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Bù Đốp với tổng kinh phí 6.868 triệu đồng. Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, bảo tồn và phát huy, tổ chức Ngày hội văn hóa - nghệ thuật, thể thao ở địa bàn, tổ chức các hoạt động vui chơi chào mừng các ngày lễ lớn…. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Công tác quản lý nhà nước về dân tộc cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở được chú trọng, quan tâm. Hng năm huyện đều có kế hoạch cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác dân tộc do tỉnh tổ chức nhằm đảm bảo về mặt nhận thức và kỹ năng, nghiệp vụ quản lý tôn giáo và kỹ năng vận động đồng dào dân tộc nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn như: Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đạt hiệu quả chưa cao. Hộ nghèo DTTS chủ yếu là nông dân, ít đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập không ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp; Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trình độ dân trí thấp còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số còn chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. 

Từ thực tế đó có thể xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đốp thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc, xem việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Về công tác dân tộc” thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức đồng bào tích cực, chủ động tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tích cực, chủ động xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.

Hai là: Quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi; vì vậy, cần quan tâm đến chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thông qua việc đầu tư mở rộng, nâng cấp trường phổ thông bán trú dân nuôi tại các xã; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ sau khi tốt nghiệp các trường.

Ba là: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Các phòng, ban và các cấp ủy, chính quyền địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút số trí thức trẻ mới ra trường về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là: Đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, ấp trong vùng; tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường; sản xuất, cung ứng cây con giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp hàng hoá; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.

Nguồn tin: Phan Thảo - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây