Trong đạn bom khốc liệt của chiến tranh, đồng bào S’tiêng tại sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) thâu đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo; nấu ăn bằng nước lọc từ tro cỏ tranh để nhường muối cho bộ đội.
Lần đầu tiên tỉnh Bình Phước tổ chức lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo - tại một trong địa danh đã trở thành huyền thoại.Lễ hội diễn ra từ ngày 8 - 10/11, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024).
Chuỗi các hoạt động trong lễ hội như: lễ hội ẩm thực, biểu diễn hòa tấu với 50 bộ đàn đá, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo, nấu cơm), hội thảo xúc tiến du lịch, chạy việt dã…Đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Giã gạo chày tay - Nuôi quân đánh giặc” công phu, hoành tráng với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, của đồng bào dân tộc S’tiêng của trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước …
Từ khoảng 15h chiều 10/11 đã có hàng chục ngàn người dân từ nhiều nơi đổ về Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo để xem chương trình nghệ thuật tại Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Con đường dẫn vào Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng kẹt xe hàng kilomet, CSGT và Công an địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng căng mình điều tiết.
Trong không gian của khu bảo tồn, người dân và du khách tham quan được thưởng thức tiếng nhạc ngân vang của đàn đá do các nghệ nhận người S’tiêng biểu diễn. Tiếng nhạc đàn đá hòa cùng với điệu nhảy của các nghệ nhân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách.
Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Mặt khác, thông qua các hoạt động của lễ hội còn giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng như tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng (14-12-1974 - 14-12-2024).