Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Phước Long (06/01/1975-06/01/2025): Vai trò công tác binh vận trong chiến dịch đường 14 - Phước Long

Thứ hai - 06/01/2025 05:34 32 0
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra từ đêm 12, rạng ngày 13/12/1974 đến ngày 06/01/1975, là một trong những chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nằm trong chiến lược giải phóng miền Nam của quân và dân ta. Đây là chiến dịch mà quân và dân ta đã thực hiện cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch ở khu vực Phước Long, với mục tiêu tiêu diệt và làm suy yếu lực lượng quân địch, tạo tiền đề cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long đã thể hiện rõ nét công tác binh vận đã được Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện một cách hiệu quả, phối hợp với các hoạt động tác chiến.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Phước Long (06/01/1975-06/01/2025): Vai trò công tác binh vận trong chiến dịch đường 14 - Phước Long
Chúng ta biết rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác binh vận có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân, được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Đảng, cụ thể:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (tháng 1-1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II chỉ rõ “Đảng phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu tranh thủ được binh lính đồng tình với cách mạng, xây dựng khối công nông binh liên hiệp…”; 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (tháng 9-1963) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III khẳng định Xuất phát từ phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chúng ta phải kết hợp đánh địch bằng 3 mũi: đánh địch bằng chính trị, đánh địch bằng quân sự và đánh địch bằng binh vận… Công tác binh vận phải được làm tốt để phục vụ đắc lực cho phương hướng tiến tới tổng công kích và tổng khởi nghĩa của ta”.

Và bản chất binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ, lôi kéo những người Việt Nam vì những lý do khác nhau mà cầm súng, làm việc cho Mỹ - Ngụy trở về với dân tộc, cùng toàn dân tộc đứng lên chống quân xâm lược và bè lũ tay sai phản động, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, công tác binh vận có vai trò rất quan trọng và đóng góp lớn vào sự thành công của chiến dịch.

Từ đầu cuộc chiến, Phước Long đã được xác định là một khu vực chiến lược, nơi có giao thông liên lạc quan trọng và là điểm án ngữ cho các hướng tấn công vào Sài Gòn. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ sau năm 1973, Bộ Tư lệnh Miền và Tỉnh ủy Bình Phước tập trung chỉ đạo cho các địa phương vừa đẩy mạnh hoạt động chống lấn chiếm để mở rộng vùng giải phóng, vừa đặc biệt ra sức xây dựng củng cố vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng. Đến cuối năm 1974, vùng giải phóng ở Phước Long được củng cố vững chắc, vùng tạm chiếm thì không còn cơ sở trắng, nơi nào cũng có chi bộ; các tổ chức đoàn thể được thành lập. 

Để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho quân dân Bình Phước phải chuẩn bị chiến trường, đẩy mạnh hoạt động 3 mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, tạo thế cho quần chúng nổi dậy. Đối với vùng căn cứ, Phước Long vừa có nhiệm vụ chuẩn bị lương thực, hậu cần tại chỗ, vừa chuẩn bị địa bàn đứng chân cho các đơn vị chủ lực lớn, mở đợt tiến công tiêu diệt địch. 

Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra và giành thắng lợi đã có ý nghĩa rất to lớn, ta giải phóng một địa bàn quan trọng, mở thông hành lang chi viện chiến lược, tạo bàn đạp vững chắc cho các binh đoàn chủ lực cơ động hướng về giải phóng Sài Gòn; thu giữ một khối lượng vũ khí, nhất là pháo và đạn pháo lớn (là loại ta đang thiếu), đây là nguồn bổ sung trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là “đòn trinh sát chiến lược” cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ, là căn cứ quan trọng để Trung ương Đảng hạ quyết tâm mở chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Có thể khẳng định rằng, thành công của chiến dịch đường 14 - giải phóng Phước Long có vai trò quan trọng của công tác binh vận. Điều này được thể hiện rõ nét trên các mặt sau:

Thứ nhất, công tác binh vận đã góp phần làm suy yếu lực lượng địch từ bên trong: Công tác binh vận giúp quân ta khai thác được các mâu thuẫn trong nội bộ quân đội và chính quyền Sài Gòn, tác động vào tinh thần chiến đấu của quân địch. Trong chiến dịch Phước Long, lực lượng binh vận đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm làm suy yếu ý chí chiến đấu của các đơn vị địch, tạo điều kiện cho quân ta dễ dàng tiếp cận và tiêu diệt. Nhờ sự phối hợp giữa công tác binh vận và chiến đấu quân sự, một bộ phận lớn quân địch đã tự giác đầu hàng, làm cho khả năng chiến đấu của đối phương bị giảm sút nghiêm trọng.

Thứ hai, công tác binh vận đã làm giảm sự kháng cự của quân địch: Một trong những thành công quan trọng của công tác binh vận trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long là làm cho một bộ phận lính và chỉ huy của quân đội Sài Gòn không còn quyết tâm chiến đấu. Những chiến sĩ và cán bộ binh sĩ trong quân đội Sài Gòn, qua những buổi đối thoại, tuyên truyền, đã hiểu ra sự vô nghĩa của cuộc chiến và những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của họ. Nhiều binh lính đã trở về phía cách mạng, gia nhập lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần làm suy yếu quân địch.

Thứ ba, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân: Công tác binh vận không chỉ hướng đến quân đội địch mà còn tạo được sự đồng lòng và ủng hộ của quần chúng nhân dân ở vùng chiến sự. Qua đó, lực lượng binh vận đã tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng và động viên nhân dân tham gia vào công tác hậu cần, thông tin và trinh sát, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình quân địch. Điều này góp phần hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động quân sự và giúp chiến dịch đạt được kết quả tốt đẹp. Nổi bật về công tác binh vận gắn với sự đóng góp về hậu cần và hoạt động động phục vụ chiến trường của hậu phương. Quá trình tiến công Phước Long, các đoàn hậu cần đã bổ sung cho các đơn vị 1.171 tấn vật chất (538 tấn quân nhu, 459 tấn quân giới, 172 tấn xăng dầu, 2 tấn thuốc quân y); cứu chữa 1.224 thương binh; thu hơn 3.000 tấn chiến lợi phẩm... làm nhiệm vụ quân quản và giúp nhân dân vùng mới giải phóng ổn định trật tự, đời sống.

Có thể khẳng định, trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, công tác binh vận đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng niềm tin và sự ủng hộ từ nhân dân, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng. Các chính sách như phân phát lương thực, thuốc men, tạo điều kiện cho nhân dân tự tổ chức lực lượng bảo vệ địa phương đã được triển khai mạnh mẽ. Bằng việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân và kết hợp với lực lượng vũ trang, công tác binh vận, vận động quần chúng đã giúp đẩy mạnh phong trào cách mạng trong nhân dân, nâng cao tinh thần đoàn kết và quyết tâm kháng chiến. Các hoạt động như tuyên truyền, tổ chức hội nghị, giúp đỡ gia đình chính sách cũng đã góp phần củng cố lòng tin của quần chúng đối với cách mạng.

Chiến dịch Đường 14 - Phước Long không chỉ là một chiến thắng về quân sự mà còn là minh chứng cho giá trị của công tác binh vận, góp phần tiêu diệt một lượng lớn sinh lực địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Công tác binh vận đã đóng vai trò then chốt, giúp tối ưu hóa sức mạnh tổng hợp giữa quân đội và quần chúng, tạo ra một trận trinh sát chiến lược quan trọng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Những thành công từ công tác binh vận trong chiến dịch này đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc kết hợp giữa yếu tố quân sự và công tác vận động chính trị trong chiến tranh cách mạng.

Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được sau 50 năm giải phóng Phước Long, những năm gần đây, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh về công tác dân vận. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà Ban Dân vận Trung ương phát động, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tập trung giải quyết được những vấn đề phức tạp, điểm nóng, kịp thời dự báo những tình huống có thể xảy ra để tham mưu lãnh, chỉ đạo có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Kết quả đã tạo những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới.

 
picture2
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh
phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Phước Long
(Ảnh: Báo Bình Phước Online)

Những kết quả bước đầu này là trái ngọt của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực hết mình, quyết tâm của hệ thống dân vận cấp ủy các cấp trong tỉnh thời gian qua. Tự hào về những thành tựu to lớn trong mấy chục năm qua, đứng trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận của Đảng ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn về trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi vẻ vang của mình, tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng tu dưỡng, học tập, phát huy tinh thần trách nhiệm, vững vàng về chuyên môn, thực sự phải là “tuyến đầu” của Đảng, đề xuất cấp ủy những nhiệm vụ sát đúng, những chủ điểm hay, có tính đột phá và muốn vậy chắc chắn công tác dân vận của Đảng phải thật sự là: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây