Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị tổng kết công tác tôn giáo năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Thứ sáu - 15/12/2023 05:2014.4630
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, sáng ngày 14-12, Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Công tác tôn giáo năm 2023 nhằm đánh giá đúng tình hình tôn giáo, kết quả đạt được công tác tôn giáo năm 2023, những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay. Đồng thời dự báo tình hình tôn giáo, những tác động, ảnh hưởng đến công tác tôn giáo; đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo năm 2024.
Đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh và đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Thành phần dự Hội nghị gồm có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh; các đồng chí đại diện Thường trực huyện, thị, thành ủy; Ủy ban Nhân dân; Ban dân dận; Phòng Nội vụ, Dân tộc, Tôn giáo các huyện, thị, thành phố; các đồng chí thành viên Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh.
Theo báo cáo Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 tôn giáo đang hoạt động với 380 cơ sở, hơn 248 ngàn tín đồ, chức sắc, chức việc. Năm 2023, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn ổn định, diễn ra bình thường. Các tổ chức tôn giáo đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động đều chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các lễ hội tôn giáo diễn ra an toàn, bảo đảm theo quy định. Trong năm, đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động từ thiện, nhân đạo với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo” đã đóng góp hơn 44,8 tỷ đồng và trao tặng 15 ngàn phần quà trị giá 5,5 tỷ đồng trong dịp tết Nguyên đán…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích và nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác tôn giáo cũng như việc quán triệt thực hiện Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 8-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đề nghị trong thời gian tới, để đảm bảo cho hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền tập trung quán triệt, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 122-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý nhà nước và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp cơ sở để kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp liên quan đến tôn giáo. Đồng thời, tiếp tục vận động, đoàn kết phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo để tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương…đồng thời thực hiện tốt một số giải pháp đó là:
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 08/6/20218 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Công văn số 1539-CV/TU ngày 20/11/2023 về tăng cường công tác đối với Pháp luân công trong tình hình mới. Công văn số 1553-CV/TU ngày 28/11/2023 về tăng cường công tác đối với các hoạt động của “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 204 -KH/TU ngày 13/11/2023 về triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 18/4/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài trong tình hình mới.
2. Cấp ủy đảng thực hiện quy hoạch, bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo có trình độ, phù hợp với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý Nhà nước và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp cơ sở. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, ngăn ngừa, hạn chế các hoạt động tuyên tuyền phát triển tôn giáo, “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo” qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, Messenger, TikTok, Zoom,…
3. Giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp liên quan đến tôn giáo, “đạo lạ”, “tà đạo”. Thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, già làng, người có uy tín để tranh thủ sự ủng hộ trong công tác tôn giáo, xử lý các vụ việc tôn giáo vi phạm pháp luật.
4. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đồng bào theo tôn giáo. Vận động, đoàn kết đồng bào có tôn giáo phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và các nguồn lực tôn giáo đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
5. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 12/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ, phát sinh điểm nóng; phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước.