Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số

Thứ tư - 02/10/2024 05:36 10 0
Ngay sau khi Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số góp phần phát triển kinh tế-xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Công tác chuyển đổi số được các địa phương, đơn vị triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh: Ngân Hà)
Công tác chuyển đổi số được các địa phương, đơn vị triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh: Ngân Hà)
Trước đây, nhắc đến Bình Phước, không ít người nghĩ đây là một tỉnh miền núi nghèo, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp… Thế nhưng, bằng những quyết sách sát thực tế, phù hợp xu hướng phát triển của cả nước và thế giới, Bình Phước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến đầu tư.

 Với nỗ lực và quyết tâm cao, thời gian qua công tác chuyển đổi số tại Bình Phước luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bình Phước luôn xác định dữ liệu số là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh đã sớm quan tâm việc tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh được thành lập đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước nhằm mục tiêu từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực về trung tâm, giúp lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nắm bắt, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời. IOC tỉnh Bình Phước được thiết kế nhằm cung cấp dữ liệu và xử lý trên 11 lĩnh vực để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ phân tích dữ liệu do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để chỉ đạo, điều hành việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, số liệu thuộc lĩnh vực quản lý.

Qua thời gian hoạt động, IOC tỉnh đã giúp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nắm bắt rõ hơn tình hình, nhất là tình hình kinh tế - xã hội; khai thác dữ liệu tập trung giúp tăng cường tính minh bạch và tăng hiệu quả quản lý. Hệ thống dữ liệu đã tích hợp và tối ưu hóa các nguồn lực.

Đặc biệt, để đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch 128/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến nay, sau 1 tháng triển khai, với quyết tâm rất cao, các nhà mạng cùng lực lượng công an đã ra quân thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao di động 2G sang sử dụng các loại điện thoại 4G/5G. Mục tiêu đợt cao điểm cũng phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân (CCCD) cho công dân đủ tuổi; 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 4G và hơn 50% dân số trưởng thành sử dụng sim chính chủ có tích hợp chữ ký số. Từ đây sẽ cung cấp nhiều lợi ích cho người dân trong lộ trình chuyển đổi số.

Để môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bình Phước đã tạo sự đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số…; qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngay sau khi Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số góp phần phát triển kinh tế-xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó chuyển đổi số với mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Sau ba năm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Bình Phước đã cơ bản đạt được các nhiệm vụ đề ra, như: Phát huy được nội lực để đưa chủ trương chuyển đổi số vào thực tiễn; hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành toàn bộ ba nội dung đề ra: triển khai trục kết nối dữ liệu liên thông; triển khai Cổng dịch vụ công tỉnh tích hợp và đồng bộ dữ liệu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; phát hành văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện 90%, cấp xã 85%. Cùng với đó, Bình Phước có hơn 90% số cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bình Phước cũng hoàn thành bốn nội dung về mục tiêu phát triển xã hội số: mọi người dân và doanh nghiệp đều có định danh điện tử VNeID, kho dữ liệu điện tử khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; các điểm công cộng, đường giao thông, tuyến biên giới, từng khu phố, khu dân cư đều lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự công cộng... 

Từ những kết quả triển khai, tỉnh Bình Phước được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tích cực, cụ thể qua các giải thưởng và xếp hạng như: Thành phố Đồng Xoài được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” vào năm 2023. Năm 2024, tỉnh Bình Phước được Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á-Châu Đại Dương lựa chọn vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024. Xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh của Bình Phước cũng là một trong những tỉnh đi đầu: năm 2020 xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, năm 2021 xếp 9/63, năm 2022 xếp 12/63 (năm 2023 chưa công bố). Các kết quả bước đầu trong chuyển đổi số khá quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển, bứt phá trong thời gian tới.

Để tiếp tục phát huy thành quả và liên tục trong chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tỉnh cần tập trung vào ba trụ cột chính: Về hạ tầng số, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống truyền dẫn cáp quang nội tỉnh, liên tỉnh, nâng cao tốc độ, băng thông đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tỉnh; về nền tảng số, tiếp tục hoàn thiện các nền tảng dùng chung để triển khai toàn tỉnh như: nền tảng Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng quản lý văn bản và điều hành công việc; nền tảng IOC; nền tảng SOC; nền tảng quản lý giáo dục, y tế…; về nguồn nhân lực, đây là một điểm yếu của tỉnh khi triển khai thực hiện chuyển đổi số. Do đó, cần quan tâm phát triển, củng cố nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên cơ sở tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các tập đoàn, các doanh nghiệp cung cấp, triển khai các dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ triển khai, đào tạo cho nguồn nhân lực thực hiện tại các cơ quan, tổ chức Chuyển đổi số là công việc lâu dài, là nhiệm vụ của mọi cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Để Bình Phước phát triển sánh vai cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì công tác chuyển đổi số là yếu tố then chốt, có tính chất “đi tắt, đón đầu” nhằm khắc phục các yếu điểm của tỉnh về vị trí địa lý, về xuất phát điểm để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách thu nhập bình quân, phát huy các lợi thế tiềm năng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm công, nông nghiệp của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện huyển đổi số, tỉnh Bình Phước đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, tiếp thu sự chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, sự vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo, bằng quyết tâm chính trị cao với phương châm “muốn làm, biết làm, cùng làm và say sưa làm”. Thứ hai, căn cứ tình hình thực tế nên không cầu toàn đưa ra yêu cầu trong thời gian ngắn là phải có số liệu điều hành ngay, mà giai đoạn đầu chỉ đưa lên bộ khung, từ đó chỉ đạo từng bước hoàn thiện. Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ, công nhân viên chức và người dân trong việc sử dụng, tương tác các ứng dụng thành phần. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại IOC từ tỉnh đến cơ sở.

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây