Bình Phước tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974-14/12/2024) và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.

Thứ sáu - 25/10/2024 03:09 131 0
Chiều 24/10/2024, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo công bố các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024) và lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo
Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng sẽ tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng với tên gọi lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/11/2024, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với nhiều nội dung, chương trình thể thao, văn hóa, nghệ thuật, kết nối giao thương, du lịch… Lễ hội không chỉ để quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Trong các hoạt động, đáng chú ý là lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024, đây là một trong những điểm nhấn mang đậm tính chất con người Bù Đăng.  

Ngày 14/12/1974, Bù Đăng được giải phóng. Đến ngày 08/01/1975, chính quyền cách mạng chính thức ra mắt Nhân dân, lấy tên là Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện Bù Đăng, gồm 8 xã: Đăng Trung, Đăng Nghĩa, Đăng Minh, Đăng Quang, Đăng Hòa, Đăng Hưng, Đăng Sơn, Đăng Thọ. Lúc này dân số Bù Đăng có 11.838 người (đồng bào dân tộc thiểu số 8.694 người).

Tháng 11 năm 1976 huyện Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long, nhưng do địa bàn rộng, dân cư ngày càng đông, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên ngày 04/7/1988 theo quyết định 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Bù Đăng thuộc tỉnh Sông Bé được tái lập gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã: Thọ Sơn, Đoàn Kết, Minh Hưng, Nghĩa Trung, Đồng Nai, Thống Nhất và Đak Nhau với dân số toàn huyện 29.431 người.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bù Đăng có gần 145 nghìn nhân khẩu, gấp gần 5 lần dân số ngày thành lập. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu chuẩn, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sau ngày giải phóng, với phong trào vận động định canh, định cư, đồng bào S’tiêng đã biết tách hộ lập vườn, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế. 

Ngày nay, nhiều chính sách đặc biệt ưu tiên cho vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình 33, 134, 1592 với mục tiêu “Không để ai ở lại phía sau” và phương châm “Cho cần câu, chứ không cho con cá”, đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Bù Đăng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi để làm ăn sinh sống. Người S’tiêng, M’nông, Châu Mạ phát triển một số nghề thủ công truyền thống rất sớm như: đan lát, rèn, đặc biệt nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Với bàn tay khéo léo, sáng tạo, các nghệ nhân đã dệt nên những sản phẩm rất độc đáo, tinh tế bởi những hoa văn đặc sắc. Tận dụng các loại tre, mây sẵn có trong rừng, người dân nơi đây đã khéo léo trong nghệ thuật đan mây, tre thành các sản phẩm phục vụ đời sống như gùi, xóc... nghề đan của người S’tiêng, M’nông, Châu Mạ không phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mà chỉ nhằm phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà Dài của đồng bào S’Tiêng, M’Nông và Châu Mạ ở Bù Đăng là kiểu nhà ở đặc trưng của đồng bào xưa kia. Với kích thước kiến trúc nhà được kéo dài theo sự tăng trưởng của các gia đình trong một dòng họ theo kiểu sống cộng cư. Người đồng bào ở Bù Đăng làm nhà dài trệt nền đất, chất chủ yếu là nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên: Gỗ, tre, nứa, lá. Nhà có hai mái chính, hai đầu hồi nhà lợp mái cuốn dạng tròn hoặc phẳng hình tam giác, dùng chất liệu cỏ tranh hoặc lá mây. Mái nhà thường được đan cài chắc chắn, cẩn thận bảo đảm về mùa mưa không bị dột, mùa nắng mát mẻ, mùa đông ấm áp, phù hợp với địa hình và khí hậu rừng núi.

Các hoạt động trong lễ hội cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.

Nguồn tin: BBT (Nguồn ảnh Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây