“Dân vận khéo” trong đồng bào tôn giáo ở huyện Bù Đốp
Thứ tư - 30/08/2023 21:414910
Công tác Dân vận có vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Thực hiện lời dạy của Bác, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Huyện Bù Đốp đã tổ chức triển khai, thực hiện, tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đồng bào tín đồ các tôn giáo, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương.
Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh, có 86,376 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, dân số hơn 60 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 10 nghìn người (chiếm khoảng 18% dân số toàn huyện). Tại địa bàn huyện có 06 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo và Hồi giáo, với 11.637 tín đồ, 16 cơ sở thờ tự, 22 chức sắc, 33 chức việc.
Xác định công tác “Dân vận khéo” trong đồng bào tôn giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, thời gian qua, huyện Bù Đốp đã làm tốt công tác quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.
Huyện Bù Đốp tổ chức hội thi “Dân vận khéo” năm 2023
Để làm tốt công tác dân vận trong đồng bào tôn giáo, huyện đã quán triệt sâu sắc đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong đồng bào tôn giáo. Bên cạnh đó, huyện phối hợp mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm giúp cho những cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo, công tác dân vận có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực công tác, nắm được đặc điểm tâm lý, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, của đồng bào tín đồ các tôn giáo. Qua đó biết cách thuyết phục, tập hợp bà con tín đồ, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, nước vinh, đạo sáng, tôn trọng và thực hiện đúng chính sách pháp luật.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong toàn huyện cũng luôn bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thông qua việc thông tin thường xuyên với các chức sắc, chức việc và bà con tín đồ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con; gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Không chỉ làm tốt công tác quán triệt, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo, huyện Bù Đốp còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa bàn tập trung đồng bào tín đồ, như: chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến về các nội dung tín ngưỡng tôn giáo, an ninh trật tự,... cho cán bộ cơ sở và các chức sắc, chức việc, tín đồ; tổ chức gặp gỡ, vận động chức sắc, chức việc phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các tín đồ không tin, không theo “tà đạo”, “đạo lạ”, các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất đoàn kết và trật tự an toàn xã hội.
Từ việc chú trọng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách về tôn giáo nên các vấn đề phát sinh trong đồng bào tôn giáo luôn được huyện Bù Đốp nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả ngay từ cơ sở. Thông qua công tác vận động, đa số bà con tín đồ tôn giáo đều tự giác chấp hành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, tích cực cùng tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Kết quả, toàn huyện có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Thanh Bình đạt các tiêu chí đô thị văn minh và được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xã Thiện Hưng đạt 14/20 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; toàn huyện đã xây dựng được 5 khu dân cư kiểu mẫu (ấp Tân Lợi và ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành; thôn 5 và thôn 6, xã Thiện Hưng; ấp 6, xã Hưng Phước) và đang tiếp tục xây dựng 2 khu dân cư kiểu mẫu tại ấp 8, xã Thanh Hòa và ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện.
Các tầng lớp nhân dân và đồng bào tôn giáo ở xã Tân Thành đã đóng góp kinh phí trên 200 triệu đồng làm mới trên10km đường giao thông nông thôn, lắp đặt 15,5 km đèn chiếu sáng với số tiền gần 1 tỷ đồng; tại xã Phước Thiện, đồng bào tôn giáo và Nhân dân đã tự nguyện đóng góp 1.775 ngày công; hiến 2.850 m2 đất và đóng góp 156 triệu đồng tiền mặt để xây dựng hoàn thành hơn 8,5 km đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; Giáo xứ Tân Tiến vận động giáo dân làm hơn 200m đường bê tông vào nghĩa trang của thôn; Chùa Thanh An (xã Tân Tiến) vận động đồng bào phật tử góp công sức kéo điện làm đèn đường chiếu sáng dọc hai bên đường vào thôn Tân Thuận. Các hộ đồng bào tôn giáo và Nhân dân xã Tân Tiến đã đóng góp trên 150 triệu đồng làm đèn đường chiếu sáng và 8km đường giao thông nông thôn.
Các phong trào thi đua yêu nước giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng được đồng bào tôn giáo tích cực tham gia và thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: lập các tổ xoay vòng vốn để cho vay không tính lãi; giúp nhau ngày công, cây con giống; xây dựng hũ gạo tình thương, heo đất tiết kiệm,…
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đồng bào tôn giáo giúp nhau phát triển kinh tế được 25 tỷ 900 triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động, xây dựng 546 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà chốt dân quân biên giới...với tổng trị giá 53 tỷ 527 triệu đồng.
Nhiều hộ đồng bào tôn giáo đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Có nhiều hộ đồng bào tôn giáo sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, điển hình như: ông Bùi Văn Khoan, Phạm Văn Trọng, Nguyễn Văn Thanh ở ấp Thanh Trung (thị trấn Thành Bình), ông Nguyễn Xuân Thu ở ấp Thanh Thuỷ (thị trấn Thanh Bình), ông Điểu Roi, ông Nguyễn Văn Thát, ông Điểu Broi, ông Điểu Bô, ông Điểu Khương, ông Điểu Sarrem vừa là trưởng điểm nhóm, vừa là nông dân làm kinh tế giỏi (ấp Bù Tam, xã Hưng Phước), ông Trần Văn Tuân, ông Bế Đức Hiếu, bà Nguyễn Thị Giỏi (xã Tân Tiến)...
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới được huyện quan tâm xây dựng, ngày càng được củng cố vững chắc, phát huy hiệu quả. Huyện đã thành lập được 38 mô hình “Tổ bảo vệ tự quản về an ninh trật tự”, 14 mô hình “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu hoạt động hoặc có nhưng phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời”, 52 “Tổ an ninh Nhân dân”, 01 mô hình “Xóm đạo bình yên”, 01 mô hình “Xóm đạo không có tệ nạn ma túy” và 01 mô hình “xóm đạo nói không với ma túy”. Các đồn biên phòng thành lập được 06 Câu lạc bộ "Điểm sáng biên giới" với hơn 360 hội viên; xây dựng mô hình “Hỗ trợ nâng cao kiến thức bảo vệ an ninh biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đinh cho phụ nữ dân tộc thiểu số” tại thôn Thiện Cư, xã Thiên Hưng với 115 thành viên; mô hình “Tiếng kẻng an ninh”,…
Những kết quả nêu trên đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của nhân dân, của đồng bào tín đồ các tôn giáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn huyện.