Trên địa bàn tỉnh, trong tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2020 đã xuất hiện 03 ổ dịch Dại trên chó tại thành phố Đồng Xoài (02 ổ dịch) và huyện Hớn Quản (01 ổ dịch), nguy cơ dịch bệnh Dại động vật tiếp tục xuất hiện và lây lan nếu không triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện Chỉ thị số 5277/CT-BNN-TY ngày 07/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật. Để khẩn trương tổ chức kiểm soát tốt bệnh Dại ở động vật, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ngày 19/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số: 2893/UBND-KT V/v tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó và phòng, chống bệnh Dại theo đúng quy định của Luật Thú y; các văn bản hướng dẫn của Luật Thú y; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt Chương trình “khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 260/KH/UBND ngày 21/11/2019 của UBDN tỉnh Bình Phước về phòng chống dịch bệnh ở động vật năm 2020, trong đó chú trọng thực hiện những nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh Dại tại địa phương, trong đó tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi từng hộ chăn nuôi nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, đăng ký cho nuôi, tiên phòng vắc xin Dại cho chó, chấp hành việc xích, nhốt; khi chó ra đường phải đeo rọ mõm theo quy định; thành lập các đội xử lý chó chạy rong, đặc biệt các khu phố, thị trấn, khu vực động dân cư.
- Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.
- Triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học nhằm nâng cao trách nhiệm người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi.
- Thành lập các tổ công tác trực tiếp đến các xã có dịch đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp chống dịch, không để dịch tiếp tục phát sinh và lây lan.
- Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo. Khi phát hiện chó, mèo cắn người vô cớ, có biểu hiện nghi ngờ bệnh Dại thì Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện nhanh chóng phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện điều tra, xác minh và báo cáo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật theo quy định.
- Khi xuất hiện ổ dịch Dại trên động vật, khẩn trương xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh dại động vật hàng ngày theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Tiếp tục phối hợp UBND cấp huyện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống bệnh Dại động vật.
- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh:
+ Khi nhận được thông tin dịch bệnh từ các địa phương, nhanh chóng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm xác định mầm bệnh và thông báo cho các địa phương kịp thời xử lý triệt để, không để bệnh Dại lây lan.
+ Cung cấp kịp thời vật tư, hóa chất cho các địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
3. Sở Y tế chỉ đạo ngành Y tế điều tra, hướng dẫn xử dụng và cung ứng vắc xin và huyết thanh kháng Dại cho người bị chó, mèo cắn và người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại.
4. Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan bố trí, thẩm định, hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định, bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.