UBMTTQ VN tỉnh Bình Phước: Đạt nhiều kết quả tích cực sau 8 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/ TW của Bộ Chính trị, giai đoạn 2013 - 2021
Thứ năm - 10/03/2022 21:432970
Giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc Bộ Chính trị ban hành 02 Quyết định số 217, 218-QĐ/ TW là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các nghị quyết của Đảng về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội tại các kỳ đại hội của Đảng.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, Quy định số 1358-QĐ/TU ngày 26/9/2014 của Tỉnh ủy Bình Phước “Quy định về trách nhiệm tiếp thu góp ý, kiến nghị của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị” đã tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian qua, nhất là sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giám sát và phản biện xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động trên.
Xác định được tầm quan trọng trong công tác này, trong 08 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của Chính quyền cùng cấp, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác trên. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBMTTQVN tỉnh và các ngành chức năng tổ chức giám sát chuyên đề được 45 đợt về việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; Công tác phối hợp giám sát, được Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh quan tâm chủ động tham gia thực hiện với 333 đợt giám sát tại các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh; cấp huyện, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức giám sát chuyên đề được 238 đợt; cấp xã chủ trì, phối hợp giám sát chuyên đề được 1.025 đợt với nhiều nội dung giám sát có liên quan thiết thực đến quyền lợi của nhân dân, trong đó, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức được 3.452 đợt giám sát đối với 2.640 công trình; phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 612 công trình có sai phạm, thu hồi số tiền, hiện vật sai phạm trị giá 259 triệu đồng. Công tác hoạt động phản biện xã hội được MTTQVN các cấp quan tâm thực hiện, hằng năm trên cơ sở Chương trình giám sát phản biện xã hội, được cấp ủy phê duyệt, đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động phản biện xã hội thông qua chủ yếu 02 hình thức: tổ chức hội nghị phản biện xã hội và gửi dự thảo văn bản phản biện đến các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia phản biện. Kết quả, trong 8 năm qua MTTQVN các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội được 199 văn bản dự thảo(Cấp tỉnh: 29; Cấp huyện: 63; Cấp xã: 107).
Có thể nói, sau 8 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã đạt được những kết quả quan trọng có tác động đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền. MTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng cao về chất; nội dung giám sát, phản biện xã hội thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào nề nếp, bài bản, quy củ, có chiều sâu với sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.... Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần giúp cho các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được tổ chức thực thi đầy đủ, đạt hiệu quả, đảm bảo sát thực tiễn, có tính khả thi cao; cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao; phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi, biểu hiện quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, tham ô, tham nhũng của cán bộ, công chức; xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hướng tới phục vụ Nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng - an ninh, tiến tới xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.