Chủ tịch Quốc hội thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại huyện Lộc Ninh
Thứ năm - 04/07/2024 11:11640
Trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Phước, sáng 3/7 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các thành viên đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết và trao tận tay 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lộc Ninh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Tham gia cùng đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và huyện Lộc Ninh.
Tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
Tại Đền thờ Bác Hồ và lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã dâng vòng hoa tươi thắm, thắp những nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn cũng đến thăm nơi ở, nơi làm việc của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh, trồng cây và ký tên trong sổ lưu niệm tại quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết vào những năm kháng chiến chống Mỹ đã in dấu hoạt động của nhiều bậc lãnh đạo và tướng lĩnh của quân đội Việt Nam trong đợt tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng... Đặc biệt, từ năm 1973 đến 1975, Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã được đặt tại đây và lãnh đạo cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Cũng trong sáng 3/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, trò chuyện thân mật với bà con nhân dân huyện Lộc Ninh. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự xúc động khi có dịp về thăm lại địa danh lịch sử đã ghi dấu những chiến tích hào hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đặc biệt là cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa các hoạt động chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng để hoạt động này thành một phong trào mạnh ở địa phương có bề dày truyền thống cách mạng. Đồng thời, đề nghị tỉnh Bình Phước sớm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách tiền lương, các chế độ, chính sách cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; biểu dương những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các thành viên đoàn công tác đã trao tận tay 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lộc Ninh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước, sáng (3/7), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự khai mạc Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Phước Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 - kỳ họp diễn ra ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) - tuyến cao tốc trọng điểm, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Chiều 3/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Phước về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của tỉnh và triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải và lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Về phía tỉnh Bình Phước có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước cùng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành...
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, sau 27 năm từ ngày tái thành lập tỉnh, Bình Phước đã nỗ lực, vượt lên khó khăn, dần trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 so với cả nước. Công nghiệp tăng 16,53%, xuất nhập khẩu tăng 20,08%, vốn đầu tư FDI ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 62,12%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 5.355 tỷ đồng.
Đồng thời, Bình Phước được xếp hạng cao về chuyển đổi số (đứng thứ 9/63 tỉnh thành cả nước); có 1.417 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tỉnh cần xác định lợi thế hiện tại và trong tương lai đó là Bình Phước là địa phương có truyền thống cách mạng lịch sử với nhiều di tích lịch sử quốc gia, trong đó có di tích lịch sử Tà Thiết mà Tố Hữu đã viết hai câu thơ: "Lộc Ninh xinh một cụm hồng/ Ai hay Đất lửa máu nồng đơm hoa". Vì vậy tỉnh cần giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái thu hút khách tham quan bằng nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong chính sách phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; có quỹ đất rộng lớn, đất đai màu mỡ, là "Thủ phủ" của hai loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao là cao su và điều.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra tỉnh Bình Phước vẫn còn những khó khăn như giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do nhiều yếu tố; Ngành du lịch tuy phát triển nhưng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để vừa thu hút các nhà đầu tư, du khách đến với Bình Phước...
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, tình Bình Phước cần tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 11; tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt, nỗ lực cố gắng hoàn thành 2 Dự án giao thông trọng điểm. Một là dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây Gia Nghĩa - Chơn Thành và dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn Bình Phước. Hai dự án này sẽ giúp cho Bình Phước phát triển đi lên. Ông bà ta thường nói, đại lộ đại phú, trung lộ trung phú, tiểu lộ là tiểu phú. Đầu tư đường giao thông thì sẽ kéo theo là kinh tế xã hội phát triển, các lĩnh vực văn hóa xã hội, đời sống người dân được cải thiện, các đối tượng chính sách người nghèo nghèo trong thời gian qua, chúng ta có quan tâm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.