Bình Phước, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là cánh cửa xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai - 08/07/2024 05:47 206 0
Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2025 tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từ 1,5 – 2%/năm.
1
Đồng chí  Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đông chí Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và hoa chúc mừng các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023
Những ngày đầu tái lập tỉnh với xuất phát điểm về kinh tế – xã hội còn thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao (sau tái lập tỉnh, qua số liệu điều tra bước đầu có 22.991 hộ đói nghèo chiếm gần 18% số hộ trong toàn tỉnh). Với xuất phát điểm thấp, không có nhiều lợi thế nhưng công tác giảm nghèo của Bình Phước vẫn đạt được những kết quả rất ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn và chăm lo cho giáo dục và đào tạo và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của tỉnh. Lấy việc huy động, phát huy một cách tổng hợp các nguồn lực tham gia, động viên sự giúp đỡ lẫn nhau trong các dòng họ, xóm thôn, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà từ thiện và xem đây là phương châm có tính quyết định. Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo tại các huyện, thị; các đồng chí Tỉnh ủy viên- Thành viên Ban chỉ đạo theo dõi tại các xã nghèo.

Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đảm bảo mọi quyền lợi, nghĩa vụ cho lao động là người dân tộc thiểu số một cách công khai, hiệu quả.
 
2
Lớp dạy nghề may cho đồng bào dân tộc. (Ảnh: TTXVN)

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025, Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2025 tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từ 1,5 – 2%/năm. Do đó, giải quyết việc làm hiệu quả sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo nêu trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế; đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, sự dịch chuyển lao động từ các địa phương khác đến Bình Phước rất lớn, lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
 
3
Mục tiêu tiếp theo của Bình Phước vẫn là giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu và không để xảy ra tái nghèo

Trong năm 2023, Bình Phước đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 người, đào tạo tạo nghề cho 3.979 người dân tộc thiểu số. Xác định việc làm là nhân tố quan trọng trong nâng cao thu nhập và giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động. Các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động, phát triển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạt điều Đồng Phú (huyện Bù Đăng) hoạt động khoảng 2 năm nay, thu hút nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội một số xã 2 huyện Đồng Phú và Bù Đăng.
 
5
Chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Phước đã… “kết trái ngọt”

Hiện, nhiều lao động là người dân tộc thiểu số và khu vực miền núi được các địa phương giới thiệu, hướng dẫn, phối hợp đào tạo nghề, từ đó được tuyển dụng làm việc ở các công ty, cơ sở sản xuất.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, nhìn chung đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm chủ yếu thông qua các chương trình định canh, định cư, cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm, tự tạo việc làm và lao động đi làm việc tại các trang trại, thu hút vào các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; chính sách hỗ trợ cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc được triển khai nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương.

Thời gian tới, để việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt hơn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu người sử dụng lao động để tổ chức các lớp học phù hợp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt kiến thức được đào tạo để áp dụng hiệu quả vào thực tế, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sở tiếp tục chú trọng phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin về cung, cầu lao động; duy trì cập nhật thông tin trên website người tìm việc – việc tìm người (http://vieclambinhphuoc.gov.vn) hỗ trợ các tiện ích phục vụ kết nối cung - cầu lao động với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực; thực hiện hiệu quả việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giải ngân vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động như: Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến đông đảo người dân, nâng cao chất lượng lao động; đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường lao động, xây dựng các giải pháp cung ứng đủ nguồn lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, có sự kết hợp giữa 3 bên (cơ sở dạy nghề - người lao động - doanh nghiệp).

Giai đoạn 2019-2023, tỉnh Bình Phước giảm gần 6.600 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), vượt chỉ tiêu giảm 1.000 hộ nghèo mỗi năm theo kế hoạch. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân trong tỉnh. Từ thực trạng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao, trong khi tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt thấp, vì thế năm 2019, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS đã được ban hành.

Chương trình được triển khai hiệu quả là do tỉnh đã bố trí trên 675 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh bố trí trên 284 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện bố trí gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia trên 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 147 tỷ đồng, vốn vận động gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình. 

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở, đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… Việc hỗ trợ cho người dân được thực hiện công tâm, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân.

Nhờ đó, toàn tỉnh giảm được gần 6.600 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu hàng năm giao là giảm 1.000 hộ nghèo như kế hoạch chương trình đề ra; đưa số hộ nghèo DTTS của tỉnh từ 4.545 hộ năm 2019 giảm xuống còn 574 hộ vào cuối năm 2023. Kết quả này đã trở thành động lực để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cũng như các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ và chất lượng hơn.
Trong 5 năm qua, Bình Phước vẫn tiếp tục kiên trì hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.

Tiếp đến là sự vào cuộc của các hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo…

Để có được kết quả ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững như thế, tỉnh Bình Phước đã đồng bộ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nói về các giải pháp xóa đói giảm nghèo thì nguồn lực tài chính vẫn giữ vai trò quyết định đến thành công cho chương trình xóa đói giảm nghèo, mà ở đó ngân sách nhà nước sẽ dẫn dắt, tạo động lực. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân.

Thêm nữa là vai trò của những hộ nghèo - đối tượng thụ hưởng. Vì chỉ khi bản thân họ muốn thoát nghèo, khát khao thoát nghèo, nỗ lực thoát nghèo thì các chính sách an sinh mới có thể phát huy tối đa hiệu quả…

 
6
Nhiều tập thể, cá nhân được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023

Để đạt được những thành tựu ấn tượng như trên, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, đầu tư nguồn lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có có vai trò rất to lớn của MTTQ và các đoàn thể các cấp của tỉnh thông qua các hoạt động thiết thực và hiệu quả như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo góp phần ổn định tình hình cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tiêu cực, tham những, gây phiền hà cho dân, duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình “dân vận khéo”... Qua đó, đã khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự nghiệp phát triển quê hương, khơi dậy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo của các tầng lớp nhân dân.

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Ảnh nguồn: TTXVN, Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây