GIÀ LÀNG ĐIỂU LÊN - NGƯỜI GIỮ LỬA XƯA VÀ NAY

Thứ sáu - 15/07/2022 23:55 600 0
Già làng Điểu Lên, sinh năm 1945 ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước là nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ. Đặc biệt tại căn cứ Nửa Lon, ông cùng đội du kích xã Bom Bo kết hợp lực lượng vũ trang K29, Phước Long (Quân khu 10) bẻ gãy nhiều đợt càn của địch. Hơn nửa thế kỷ qua, ký ức về đồng đội trong ông luôn nóng bỏng và bi tráng. Ông kể: “Sau những loạt bom địch trút xuống. Cả trung đội vượt qua bãi cháy. Bất thần tôi nghe tiếng rên ở đâu đó. Tìm xung quanh thì phát hiện một đồng chí nam toàn thân đen nhẽm vì bụi khói đang nằm bất động. Sơ cứu nhanh cho đồng chí, xong chúng tôi cáng về căn cứ. Tháng 10 - 1968, quân địch lại mở đợt tấn công vào căn cứ Nửa Lon. Chúng cho trực thăng đổ bộ, máy bay oanh kích cùng 1 đại đội quân biệt động và một bộ phận lính bào an đánh vào căn cứ. Lực lượng vũ trang căn cứ Nửa Lon kết hợp quân dân Đắk Nhau - Bom Bo phản công kịch liệt trong 3 giờ liền. Trận càn bị chặn đánh từ vòng ngoài. Tuy địch rút lui trong thất bại, nhưng bên ta hy sinh 2 đồng chí và một số đồng bào bị bom pháo vùi mất tích”.
Tác giả và Già làng Điểu Lên tại thôn Bom Bo.
Tác giả và Già làng Điểu Lên tại thôn Bom Bo.
Bom Bo ngày nay    
Chịu đựng và hy sinh mất mát để có được cuộc sống phồn vinh ngày hôm nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, tại căn cứ Nửa Lon, Già làng Điểu Lên và đồng đội ông từng ăn sắn, củ mài và măng tre rừng thay cơm. Gạo chỉ để dành cho thương binh hoặc được ăn (người nửa lon gạo chia ra trong ngày) vào ngày chống càn quyết liệt. Bom Bo ngày nay qua mưa bom lửa đạn để dệt lên một bức tranh nông thôn trù phú. Những cựu chiến binh (CCB) từng vào sống ra chết như Già làng Điểu Lên quý lắm cuộc sống ngày nay. Càng tự hào vì lớp trẻ đã nhận thức hơn giá trị máu xương cha ông đổ xuống. Để phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp và bảo tồn bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc và văn hóa đồng bào S’tiêng nói riêng. Thay cho những con đường đất trước đây thành đường nhựa, đường bê tông; nhà phố, cơ sở hạ tầng từng bước được lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm xây dựng, phát triển. Chi hội CCB thôn Bom Bo phần đông hội viên là người đồng bào S’tiêng. Già làng Điểu Lên cũng sinh hoạt trong chi hội CCB và  đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển chi hội. Ông cũng thường động viên CCB và nhân dân gắn bó, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình.

Thôn Bom Bo có các khu bảo tồn văn hóa, lịch sử, trong đó có khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng được xây dựng ở những ngọn đồi cao. Ở đó còn có phục dựng cối giã gạo dài cho sáu người giã một lúc, chày và cối được làm bằng gỗ cây sao như ngày xưa để du khách cảm nhận thực tế. Tâm sự với chúng tôi, Già làng Điểu Lên bộc bạch: “Ông rất mừng là giới trẻ xã Bình Minh và không riêng gì dân bản địa S’tiêng mà các dân tộc anh em trên cả nước vẫn thích hát múa bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng từng có thời gian ở căn cứ Nửa Lon. Đội văn nghệ của thôn Bom Bo do ông lập từ năm 1967 và duy trì tới nay có hơn 30 thành viên. Đội cồng chiêng luôn được bổ sung các cháu trẻ và giữ truyền thống múa hát theo lời bài hát năm xưa...”.

Tôi cùng anh Nguyễn Thành Công, sinh năm 1987 là Chủ tịch Hội CCB xã Bình Minh ngồi nghe Già làng Điểu Lên kể lại những năm tháng tham gia du kích và bộ đội. Năm 1960, ông tham gia du kích xã Bom Bo  (thuộc K14, Phước Long). Lúc đó ông ở căn cứ Nửa Lon từ năm 1960-1963 thì nhập ngũ là đội viên Đội X1, K14. Năm 1967, K14 nhập vào K19 thành K29, ông là Đội trưởng Đội B2 thuộc bộ đội vũ trang Phước Long, Quân khu 10, sau đó là Quân khu 7. Đại hội Đảng lần thứ nhất của K29, Điểu Lên là K ủy viên, Đội trưởng Đội B2. Năm 1968-1969, nhập Đường 10 với K28, ông là Bí thư Đảng ủy C2 của K28, Phước Long.

Già làng Điểu Lên – người  giữ lửa xưa và nay. Ông là một già làng tiêu biều luôn thường trực tinh thần, đạo đức cách mạng, phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, để con cháu và các thế hệ noi gương, học tập. Đất nước giải phóng, đến năm 1977, ông Điểu Lên làm Phó bí thư Huyện đoàn Phước Long, sau mấy năm thì về làm Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhau. Năm 1988, tái lập huyện Bù Đăng, ông Điểu Lên trở về quê hương cũ… Ông đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Huân chương Quyết thắng hạng nhất. 3 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy, dũng sĩ chống càn và dũng sĩ diệt ác phá kìm). Gần 60 năm tuổi Đảng, Già làng Điểu Lên đã được Bộ Quốc phòng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng, tặng nhiều bằng khen và giấy khen các loại. Ông cũng đã hai lần ra Thủ đô Hà Nội vinh dự được gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong các lần tổ chức gặp mặt già làng tiêu biểu toàn quốc.

Nguồn tin: Duy Hiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây