Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng ta luôn xác định: “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thành phố Đồng Xoài là nơi tập trung người dân của tất cả các tỉnh thành trên cả nước và có 05 tổ chức tôn giáo (đạo Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Hòa Hảo), trên 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc, tôn giáo, vùng miền có phong tục tập quán, nét văn hóa riêng. Vì vậy, việc khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để ổn định an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế có ý hết sức quan trọng và luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố đặc biệt quan tâm, chăm lo. Điều đó được thể hiện qua việc các cấp ủy Đảng trong thành phố chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Phần 2) khoá IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ông Phùng Tiến Quang (khu phố 5, phường Tiến Thành cưa gần 300 cây cao su đang cho
thu hoạch trên diện tích gần 4.000m2 để hiến đất làm đường và không yêu cầu bồi thường.
Trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị thành viên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy tốt tinh thần sáng tạo, tính tự giác và nguồn lực của Nhân dân trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, qua đó tạo sức lôi cuốn, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Ngày vì người nghèo”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đã thu hút cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Các cấp ủy Đảng trong thành phố luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quyết liệt lãnh đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Mặt trận Tổ quốc các cấp trong mỗi giai đoạn phát triển luôn bám sát nhiệm vụ, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, thành phố đã vận động Nhân dân đóng góp được 7.378.440.000 đồng tiền mặt, hàng ngàn ngày công lao động để kiên cố hóa các tuyến đường giao thông; Nhân dân đã hiến lại 17.818 m2 quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình phúc lợi tập thể. Hàng năm, số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa đạt tỷ lệ trên 95%; có 100% khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa. Phối hợp vận động các nhà hảo tâm, triển khai xây dựng 17 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí xây dựng là 723 triệu đồng và sửa chữa 03 căn nhà đại đoàn kết với số tiền 37 triệu đồng, vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được 1.406.818.000 đồng.
Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, xóa nghèo của các tầng lớp Nhân dân có những bước tiến mới tích cực, được thực hiện bằng nhiều hình thức như: cho vay không lấy lãi, giúp nhau cây trồng, vật nuôi, công lao động đã giúp cho 623 hộ với số tiền là 2 tỷ 234 triệu đồng; từ đó trên địa bàn thành phố ngày một xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố cùng toàn thể Nhân dân thành phố đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” để từng bước đẩy lùi và vượt qua đại dịch Covid-19. Hệ thống chính trị thành phố đã vận động, quyên góp kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 6.918.470.000 đồng; vận động bằng hiện vật 01 máy thở,110 tấn gạo, 46 tấn rau, củ, quả; 4.161 thùng mỳ, 706 thùng dầu ăn và nước mắm, 1.100 thùng nước suối, 114 thùng khẩu trang, 365 thùng hạt nêm, 930 thùng nước ngọt, 878 kg thịt, cá, 16.500 quả trứng, 17.631 phần quà tổng trị giá quy thành tiền là 6.999.259.000 đồng để hỗ trợ các hoạt động chống dịch và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương và các huyện, tỉnh, thành bạn.
Những kết quả đạt được trong những năm qua đã thể hiện rõ vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh Nhân dân đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh Nhân dân, Thành ủy Đồng Xoài đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2- Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
3- Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tạo niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng đó là kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
4- Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ các cấp gắn với tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Trung ương, tỉnh phát động với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
5- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
6- Các cấp ủy Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; vận động các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân; vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các chương trình an sinh xã hội...