Để tiếp tục góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh, từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã được chuyển hóa thành nội dung trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua để triển khai thực hiện ở địa bàn dân cư. Qua đó, nhân dân ở các địa phương đã khẳng định được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, trực tiếp tham gia vào quá trình xác định nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông mới ở địa phương, thông qua các hoạt động như: Xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội, mở đường giao thông, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thực hiện các giải pháp gắn kết chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đó là mỗi cộng đồng dân cư, nhân dân đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tương thân tương ái trợ giúp gia đình khó khăn, chăm sóc gia đình chính sách, phụng dưỡng người có công với cách mạng, người già cô đơn; giữ gìn truyền thống cách mạng; bảo vệ và phục dựng các giá trị văn hóa, di tích lịch sử; tích cực giữ gìn nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu; chú trọng các hoạt động tôn tạo, xây dựng cảnh quan môi trường; chăm lo sức khỏe, tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội toàn dân; phòng ngừa dịch bệnh, khuyến học khuyến tài; phát huy dân chủ trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện vai trò giám sát của nhân dân; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động phòng ngừa với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện công tác tự quản trong giữ gìn an ninh trật tự; đảm bảo các quy định về an toàn trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm…
Kết quả, Nhân dân đã tích cực tham gia ủng hộ trên 22 tỷ đồng, hiến tặng 84 ngàn m2 đất, 23 ngàn ngày công để thực hiện các công trình dân sinh tại địa phương; theo nhu cầu đăng ký của các địa phương, nhân dân cùng với nhà nước đã làm được 2.408 km đường bê tông xi măng (năm 2019 là 1.000km; năm 2020 là 700km; năm 2021 là 508km; 6 tháng đầu năm 2022 là 200 km) đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Thông qua cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động vốn vay với trên 6 tỷ đồng, 266 ngàn cây giống, 19 ngàn con giống, 11 ngàn ngày cồng giúp cho hơn 09 ngàn lượt hộ nghèo, khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tính đến cuối tháng 12 năm 2021 xuống còn 1,67%, và 70 xã về đích nông thôn mới, và dự tính năm 2022 sẽ đạt 7 xã; 78 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Đã vận động được 214 tỷ 119 triệu đồng và các hàng hóa quy ra tiền là 24 tỷ 961 triệu đồng; thông qua quỹ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2.919 căn nhà nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở (trong đó, tổng quỹ vì người nghèo chi xây dựng được 1.807 căn: Quỹ vì người nghèo cấp tỉnh xây được 1.530 căn, các mạnh thường quân xây dựng được 277 căn; sửa chữa được 64 căn), hỗ trợ 779 hộ phát triển sản xuất với 4,5 tỷ đồng, trao học bổng cho 7.407 học sinh với 8 tỷ 634 triệu đồng. Ngoài ra, Phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng vận động xây 25 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” trị giá 1 tỷ 560 triệu đồng, tặng cho các gia đình quân nhân, cựu quân nhân Biên phòng, vận động được 01 tỷ 720 triệu đồng mua 80 con bò giống, 20 cặp dê giống hỗ trợ cho hộ nghèo tại khu vực biên giới của tỉnh.
Duy trì 536 khu dân cư thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, 689 khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông, 662 khu dân cư có hòm thư tố giác tội phạm, xây dựng 3.082 tổ an ninh tự quản, 851/851 khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 96% trở lên; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đang hỗ trợ, giúp đỡ 1.032 người chậm tiến, giáo dục tại cộng đồng. Toàn tỉnh duy trì hiệu quả 1.559 mắt camera được lắp đặt tại các trục đường chính liên xã, thôn, ấp. Với 59 điểm sáng chấp hành pháp luật của cấp tỉnh và cấp huyện (gồm 11 điểm sáng chấp hành pháp luật của cấp tỉnh; 48 điểm sáng chấp hành pháp luật của cấp huyện) và 190 điểm sáng chấp hành pháp luật của cấp xã với tổng số 615 “tổ, nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật” ở khu dân cư với hơn 4.000 thành viên,…
Kết quả của xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu.
Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.