Ðiểm sáng ở Phước Minh
Năm 2018, gia đình anh Phan Văn Lâm ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bù Gia Mập cho vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, thời hạn 5 năm. Từ vốn vay, anh Lâm mua phân bón chăm sóc vườn tiêu kết hợp xây chuồng trại, mua 15 con dê giống về nuôi nhân đàn và bán thịt thương phẩm. Sử dụng vốn vay đúng mục đích cộng với tinh thần ham học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của gia đình đều đạt cao, mang lại nguồn thu khá. Hiện vườn tiêu sinh trưởng, phát triển xanh tốt; dê nhân đàn lên 60 con và luôn có thịt thương phẩm để bán. Anh Lâm cho biết, sau khi đến kỳ hạn trả vốn, gia đình sẽ tiếp tục vay thêm để đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.
Ngoài các nông hộ khó khăn vay vốn mở rộng sản xuất thì hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Phước Minh cũng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Là hộ nghèo, lại lớn tuổi, ở trong căn nhà tranh tre tạm bợ nên ngoài được các cấp chính quyền, hội đoàn thể vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà khang trang, sạch đẹp thì gia đình ông Nguyễn Xuân Diêm ở thôn Bình Tiến 1 còn được NHCSXH huyện cho vay vốn 2 đợt với 60 triệu đồng tính sinh kế lâu dài. Từ vốn vay, ngoài đầu tư xây chuồng trại nuôi heo, ông chuyển đổi vườn điều già cỗi sang điều ghép năng suất cao. Nguồn vốn vay phát huy hiệu quả đã giúp hộ ông vươn lên thoát nghèo bền vững năm 2021.
Những năm qua, NHCSXH huyện đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Riêng năm 2021, cùng với các nguồn hỗ trợ khác thì dòng vốn tín dụng đã giúp 116 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 75 hộ DTTS. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để Phước Minh hoàn thành xây dựng NTM đúng hẹn và làm khởi sắc vùng nông thôn. |
Phó chủ tịch UBND xã Phước Minh Bùi Ngọc Thủy |
Cùng với nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất thì hàng trăm hộ dân khó khăn trên địa bàn xã Phước Minh còn được NHCSXH huyện cho vay vốn đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh. Chương trình cho vay này đã góp phần cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Để cán đích NTM năm 2021, xã Phước Minh huy động hơn 177 tỷ đồng; trong đó, vốn tín dụng chính sách đóng góp gần 47 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng nguồn vốn huy động. Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Gia Mập Vũ Thị Minh cho biết: Nhờ phối hợp tốt với chính quyền, hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nên xã Phước Minh luôn dẫn đầu huyện về chất lượng tín dụng với 6 năm liền không có nợ quá hạn cũng như khách hàng gia hạn nợ. Đặc biệt hơn, Phước Minh không có lãi tồn và huy động gửi tiết kiệm trong các tổ viên luôn đạt rất cao.
Bà Trần Thị Tho, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Bình Giai, xã Phước Minh phấn khởi cho biết: Thôn đa phần là người DTTS, đời sống kinh tế, phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn nên việc ngân hàng tổ chức giao dịch tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con rất nhiều, ngoài giảm thời gian còn tiết kiệm được chi phí. Không những thế, bà con còn được tư vấn, hướng dẫn, tiếp cận được nhiều nguồn vay ưu đãi nên rất vui mừng, phấn khởi. Tổ của tôi có 60 hộ vay vốn với hơn 4 tỷ dư nợ thì tất cả tổ viên đều sử dụng đúng mục đích, trả lãi, gốc đúng hạn. Ngoài ra, các tổ viên còn gửi tiết kiệm gần 30 triệu đồng/tháng, đến nay số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ lên đến 380 triệu đồng.
“Cánh tay” nối dài
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh, an toàn, hiệu quả nhất, thay vì người dân phải ra tận trụ sở ngân hàng huyện thì hằng tháng, ngân hàng tổ chức giao dịch tại các xã nên giảm thời gian, chi phí đi lại và hạn chế tối đa rủi ro cho bà con. Đây là hoạt động đặc thù, riêng có của NHCSXH. Bà Vũ Thị Minh cho biết thêm, tối thiểu mỗi tháng đơn vị tổ chức giao dịch cố định tại UBND xã 1 lần. Ngoài ra, tùy vào nguồn vốn, nhu cầu giao dịch vay vốn, trả nợ… ngân hàng có thể tổ chức thêm các phiên giao dịch bổ sung. Tại các điểm giao dịch xã, ngân hàng trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cũng như hoạt động nghiệp vụ phục vụ người dân thông qua tổ giao dịch. Trong đó, chiếc xe bán tải của đơn vị được ví như ngân hàng di động thu nhỏ, di chuyển đến bất kỳ nơi đâu mà mình muốn.
Sử dụng hiệu quả vốn vay, anh Phan Văn Lâm ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh vươn lên phát triển sản xuất
Tại các điểm giao dịch xã, cán bộ phòng giao dịch công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ… Ngoài nghiệp vụ giao dịch thì mỗi cán bộ ngân hàng là một tuyên truyền viên, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của bà con liên quan đến nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tính đến cuối năm 2021, NHCSXH huyện Bù Gia Mập đã thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 289 tỷ đồng (tăng hơn 33 tỷ đồng so với đầu năm 2021) với gần 8.000 hộ vay vốn thông qua 164 tổ TK&VV. Chất lượng tín dụng đạt rất cao với chỉ 340 triệu đồng nợ quá hạn, chiếm 0,012% tổng dư nợ. Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác, bám sát cơ sở duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng ở từng địa bàn, từng tổ TK&VV, làm sao nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả, góp phần giảm nghèo, hoàn thành xây dựng NTM. |
“Để giúp các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vươn lên phát triển kinh tế, đơn vị phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK&VV không kể nắng mưa bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động để các hộ sử dụng đúng mục đích, trả lãi, gốc đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, không vì thế mà quá cứng nhắc mà cần có những nghiệp vụ giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Nếu đến hạn trả nợ mà người dân gặp khó khăn chưa trả được thì gia hạn thêm thời gian để họ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ còn hỗ trợ nhau trả nợ khi thành viên trong tổ gặp khó khăn chưa trả được nợ. Đó là một trong những quy ước hoạt động mang tính chất tương hỗ đặc trưng của tổ TK&VV. Đối với các hộ đã vay và trả nợ nếu còn khó khăn và có nhu cầu vay vốn thì tổ TK&VV tiếp tục bình xét để họ có cơ hội được tiếp cận thêm nguồn vốn để mở rộng và phát triển sản xuất, góp phần xây dựng NTM” - bà Vũ Thị Minh chia sẻ.
Nguồn tin: Báo Bình Phước