VƯỢT THÁCH THỨC, KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ
25 năm sau ngày tái lập, với xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhưng bằng ý chí, khát vọng vươn lên, với truyền thống cách mạng hào hùng của vùng đất và con người nơi đây, Bình Phước ngày nay đã có sự “thay da đổi thịt”, từng bước bắt nhịp với trình độ phát triển của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Bứt phá ngoạn mục
Qua từng giai đoạn phát triển, cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của kinh tế vùng Đông Nam Bộ, quy mô nền kinh tế của Bình Phước tăng lên 62 lần, từ 1.254 tỷ đồng (năm 1997) tăng lên 77.838 tỷ đồng (năm 2021). Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 25 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm.
Về cơ cấu kinh tế, từ những năm đầu tái lập đến nay luôn có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế lạc hậu, đặc trưng là thuần nông, ngành công nghiệp của địa phương hầu như chỉ ở vạch xuất phát, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nền kinh tế; dịch vụ chủ yếu là phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân; GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, trong năm đầu mới tái lập, thu nhập bình quân của tỉnh chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2021 đạt 76 triệu đồng/người/năm, tăng 29 lần so với năm 1997. Thu ngân sách của tỉnh có bước tiến vượt bậc qua từng giai đoạn phát triển và đến nay tăng gần 80 lần so với năm 1997.
Kim ngạch xuất khẩu liên tục phát triển cả về giá trị lẫn sản phẩm hàng hóa, những mặt hàng chủ lực thế mạnh của tỉnh đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Năm 1997, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ mới đạt hơn 33 triệu USD, đến năm 2021 đạt 3 tỷ 500 triệu USD, tăng hơn 100 lần so với năm 1997.
Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là bước tiến cho sự phát triển, tạo ra nhiều điểm nhấn cho tỉnh. Bằng những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở đảm bảo pháp luật và chính sách chung, đặc biệt môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, vận dụng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nên thu hút đầu tư của tỉnh luôn là điểm sáng trong quá trình phát triển.
Kết cấu hạ tầng luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. Hạ tầng điện lưới quốc gia từ tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện rất thấp (17%) tại thời điểm tái lập tỉnh, đến nay tỷ lệ này đã đạt trên 99%. Các công trình cấp nước sạch được quan tâm đầu tư, đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,34%.
Năm 1997, trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 20,58 triệu USD, đến năm 2021, tỉnh đã có 346 dự án FDI với số vốn đăng ký 3 tỷ 579,761 triệu USD. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 207 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký 62 tỷ 474 triệu đồng, đến năm 2021, có 9.787 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 174.282 tỷ đồng, tăng 47 lần về số doanh nghiệp so với năm 1997. |
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được sau 25 năm hình thành, phát triển và liên tục đổi mới, với tâm thế mới, niềm tin vững chắc, khát vọng vươn lên không ngừng để hướng tới mục tiêu cao hơn, bền vững hơn trong những giai đoạn tiếp theo, Bình Phước luôn xác định quan điểm, định hướng phát triển trong một thể thống nhất với cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc. Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
25 năm sau ngày tái lập, Bình Phước ngày nay đã trở thành điểm sáng trên nhiều lĩnh vực. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú trong giờ làm việc
Các mục tiêu nêu trên đã được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt từ 9-10%; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 9%; giai đoạn 2026-2030 đạt 10%. Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 46-48%; thương mại - dịch vụ chiếm 36-38%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 5-17%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48-50%; thương mại - dịch vụ chiếm 38-40%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 11-13%. Định hướng đến năm 2050, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 103 triệu đồng, năm 2030 đạt 160 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt từ 18.000-18.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt từ 30.000-32.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD, năm 2030 đạt 8 tỷ USD.
Đâu là giải pháp?
Để những khát vọng đó trở thành hiện thực, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh phải có được tinh thần và khát vọng vươn lên mạnh mẽ; sự quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực sự mong muốn biến tỉnh trở thành nơi hội tụ và thu hút các nguồn lực cho phát triển; trở thành địa phương dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước và trở thành động lực cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung đến năm 2050.
Phải xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát huy vị trí chiến lược của tỉnh trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, phát huy mọi tiềm năng và lợi thế so sánh, hạn chế những nhược điểm và tận dụng các cơ hội để tỉnh Bình Phước chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phải khẳng định được thứ tự ưu tiên phát triển đến năm 2030 là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; sau đó là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế. Đồng thời, hướng đến sự phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, khát vọng thoát nghèo, làm chuyển biến rõ nét, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
UBND tỉnh xác định phải nắm bắt tốt các cơ hội, thích ứng với những biến động trên thế giới và các rủi ro có thể xảy ra, nhất là đại dịch Covid-19; chủ động với nỗ lực bản thân và tranh thủ cũng như thu hút tối đa các yếu tố từ bên ngoài, nhưng không trông chờ, ỷ lại vào bên ngoài hay đặt cược quá lớn vào một vài cơ hội nào đó.
Nguồn tin: báo Bình Phước online