Dân vận là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15/10/1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120. Đây là thời điểm có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến.
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do nhân dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”
Để ghi nhớ những lời căn dặn của Bác về công tác dân vận, Ban Dân vận Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương có đề nghị tôi “Viết bài báo nhấn mạnh những quan điểm, tư tưởng về dân và công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ những thiếu sót trong nhận thức tư tưởng, trong tổ chức bộ máy và tác phong dân vận, chỉ ra những nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể xã hội trong thời kỳ tới…”
Tôi ngồi học lại bài Dân vận của Bác Hồ và nghĩ rằng: Những điều Bác căn dặn rất dễ hiểu, dễ nhớ, sâu sắc và đầy đủ.
Làm theo tư tưởng của Bác, Đảng ta có Nghị quyết về công tác dân vận, đề ra phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cho nên vấn đề hiện nay là cố gắng làm cho đúng những lời Bác dạy và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bằng những việc thiết thực.
Tôi đề nghị tập trung làm đến nơi đến chốn mấy việc sau đây:
Một: Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể bàn bạc với dân để cùng dân đặt kế hoạch xây dựng xã, phường, khu dân cư, làm cho đời sống mọi mặt cả về kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương và từng hộ gia đình khá hơn, mọi người được sống bình yên, đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Trong các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp thì bàn bạc dân chủ với cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ.
Hai: Báo cáo công khai cho dân biết những công việc của địa phương, nhất là những vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân, thực hiện công khai minh bạch tài chính, thu chi..
Đó là quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ba: Tổ chức tốt cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp thật dân chủ và đúng pháp luật.
Để nhân dân có điều kiện kiểm tra, giám sát, chọn lựa những người đại biểu xứng đáng, đề nghị các vị ứng cử có sự trình bày với cử tri về quá trình phục vụ nhân dân của mình. Có gì cử tri chưa rõ, chất vấn thì trả lời với cử tri để cử tri được thoả lòng cân nhắc.
Không được áp đặt. Bảo đảm cho cử tri quyền chọn lựa đại biểu, một quyền lợi xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước thiêng liêng của công dân.
Bốn: Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết các đơn thư khiếu nại cố gắng tập trung thời gian và sức lực để sớm có kết luận và thông báo cho người khiếu nại. Những việc gì đã có kết luận thì các cơ quan liên quan phải chấp hành đúng theo luật định. Không được chậm trễ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Hằng ngày, chúng ta vẫn sống chung với cộng đồng xã hội. Nhưng chỉ với tấm lòng vì dân, vì nước, yêu thương giai cấp cần lao thì mới hiểu thấu đời sống, vui buồn đau khổ, ước ao nguyện vọng, ý kiến và những vấn đề bức thiết đang đặt ra hàng ngày của nhân dân.
Tôi nghĩ rằng, các cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành, trong các cơ quan nhà nước, cơ quan công tác Đảng, cơ quan lập pháp, tư pháp, toà án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, quân đội, công an, ngân hàng, y tế, giáo dục, các vị thay mặt cho nhân dân… nên giành thì giờ ngồi ôn lại lời Bác dạy về dân và công tác dân vận, dũng cảm và trung thực soát xét lại mình, công việc của cơ quan, đơn vị mình, dành thì giờ gặp dân, gặp người lao động, gặp cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị, gặp các cụ lão thành, các cựu chiến binh, những người có việc khiếu nại, gặp cử tri, gặp những người đang muốn trình bày ý kiến, nguyện vọng lắng nghe họ với tâm huyết của những người con trung hiếu, yêu nước thương dân, chắc chắn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích.
Có khi bao nhiêu giấy mực cũng không thay thế được lòng trung thực và dũng cảm.
Tôi cũng nghĩ rằng: suy nghĩ về dân và làm công tác dân vận là công việc thường xuyên, phải làm hàng ngày, hàng giờ không ngừng nghỉ không mệt mỏi, không phô trương, hình thức theo vụ, theo mùa, theo lễ kỷ niệm. Nhưng để cùng nhau ghi lời Bác dạy có thể hằng năm chúng ta lấy ngày 15-10 làm ngày ôn lại những gì chúng ta đã làm đối với dân và công tác dân vận để động viên nhau cố gắng hơn nữa.
Ngày 15-10 cũng là ngày giỗ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyễn Văn Trỗi và biết bao anh hùng liệt sĩ đã từng đổ máu hy sinh trọn đời vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, vì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân để xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, một xã hội công bằng và văn minh.
Chúng ta không bao giờ quên ngày 15-10 và luôn ghi nhớ lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tất cả các chi bộ và đảng viên chúng ta sẽ làm những việc thiết thực khi nhớ đến ngày đó.
Tại tỉnh Bình Phước, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp luôn khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động tham mưu, giúp cấp ủy tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận trên địa bàn tỉnh. Ban Dân vận các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng vũ trang nắm tình hình Nhân dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực chung, công tác dân vận tỉnh nhà sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới ./.