TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; LẤY CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Thứ hai - 09/10/2023 04:12 194 0
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đoàn kết dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 02/10 đến ngày 08/10/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ tám để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 và một số vấn đề quan trọng khác.

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã bế mạc ngày 8/10, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng vào các đề án, báo cáo. Bộ Chính trị tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao thông qua các nghị quyết của Hội nghị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát những kết quả quan trọng mà Trung ương đã bàn và quyết định. Trong đó chỉ đạo triển khai một số nội dung quan trọng như: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Lấy con người là trung tâm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.

Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được toả sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc.

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện; giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đoàn kết dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, thực sự đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ phát triển đất nước; tổ chức thật tốt, thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước...

Lấy con người là trung tâm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI. Theo đó, Nghị quyết mới mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Hội nghị lần này đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới; Khẳng định, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người là trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch Covid-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây