93 NĂM, CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG

Thứ sáu - 13/10/2023 10:20 313 0
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (nguồn: internet)
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (nguồn: internet)
Ý nghĩa lịch sử ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập. Sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
 
Bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949
 
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Trải qua 93 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Chặng đường 93 năm lịch sử vẻ vang công tác dân vận của Đảng
Từ năm 1930 đến nay, công tác dân vận của Đảng đã trải qua 03 chặng đường phát triển gắn liền với lịch sử Việt Nam: Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); Công tác dân vận trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975); Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trong trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng Nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh; "Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Đặc biệt là từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, tham gia tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn; hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều kết quả tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.


Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", phát huy truyền thống vẻ vang 93 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao cho.

Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm, sáng tạo và khí thế mới, công tác dân vận sẽ tiếp tục có bước tiến mới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.   

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây