BÌNH PHƯỚC NỖ LỰC THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thứ hai - 06/04/2020 22:40 874 0
Ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và xây dựng 1.000 km đường giao thông nông thôn năm 2019. Đồng chí Trần Tuyết Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Thị Xuân Trang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.Ảnh A.N
Các tập thể, cá nhân có thành tích xất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.Ảnh A.N
QUYẾT LIỆT VỀ CHỦ TRƯƠNG, ĐỒNG BỘ VỀ GIẢI PHÁP
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững là một Chương trình mục tiêu lớn mà tỉnh Bình Phước tập trung thực hiện. Giai đoạn 2016 – 2020 là giai đoạn đầu tiên tỉnh áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều được quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Bình Phước. Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Đến năm 2020, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhằm tăng cường tính tập trung, tính thống nhất, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG, Chương trình phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới giai đoạn 2020 – 2025. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND ngày 28/12/2016 về việc thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 - 2020. Hằng năm đều ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo trong năm và Kế hoạch thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo theo quy định của Trung ương (Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2017; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2018; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 01/4/2019 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước năm 2019; Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 14/02/2020 về việc thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước năm 2020). Trong đó, xây dựng kế hoạch riêng đối với chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) (Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2019 trên địa bàn tỉnh).
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 30/9/2016 về việc rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 12/07/2018 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020. Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 27/12/2017 về việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020... 
Để thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn thực hiện là 93.341 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 85.823 triệu đồng, ngân sách địa phương 6.874 triệu đồng; người dân đóng góp 644 triệu đồng. Để việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tỉnh đã tập trung đầu tư vào các chương trình, mục tiêu cụ thể như: Chương trình 135 với nguồn vốn được phân bổ là 121.233 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 111.317 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển 87.636 triệu đồng, vốn sự nghiệp 23.681 triệu đồng); ngân sách địa phương là 9.286 triệu đồng; huy động từ nguồn khác là 630 triệu đồng đầu tư cho 09 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã biên giới và 51 thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng kinh phí: 2.641,5 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 2.164 triệu đồng, hộ gia đình đóng góp: 477,5 triệu đồng. Tâp trung vào các nội dung: Hỗ trợ các vật tư thiết yếu cho các hộ dân trồng điều đối với các vườn điều già cỗi, vườn điều năng suất thấp; Hỗ trợ và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; Thực hiện Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin; Dự án Nâng cao năng lực, giám sát đánh giá... Kết quả, toàn tỉnh giảm được 3,59% tỷ lệ hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 0,89% đạt 178% kế hoạch giao cuối năm 2019. Đưa tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 6,15% xuống còn 2,56% (chỉ tiêu đề ra bình quân mỗi năm giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo). Không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS số trên tổng số DTTS giảm từ 15,3% xuống còn 7,6%. Bình quân mỗi năm giảm 1,9%, đạt 95% kế hoạch đề ra (Kế hoạch đề ra bình quân mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên tổng số hộ DTTS). Số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 15% giảm từ 16 xã xuống còn 3 xã (Đắk Ơ, Phước Minh và xã Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập).
Bên cạnh đó, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách giai đoạn 2016 -2019 đạt 2.481.122 triệu đồng, với 108.622 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến 31/12/2019, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.350.326 triệu đồng, tăng 727.097 triệu đồng so với đầu năm 2016. Với 79.872 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 203-KH/TU ngày 09/10/2019 về việc tổ chức vận động quỹ “Vì người nghèo” thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 09/10/2019 về việc tổ chức phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019. Trong đợt phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019 các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đăng ký ủng hộ hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh hơn 102 tỷ đồng, còn lại cho các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ khác. Trong 3 năm qua, quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh đã tiếp nhận trên 90 tỷ đồng, xây dựng 1.619 căn nhà đại đoàn kết và hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh…giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

 
tu van kham benh va cap phat thuoc mien phi cho dong bao dtts tai xa dak nhau huyen bu dang da xu ly
Tư vấn, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào DTTS tại xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng. Ảnh A.N

NĂM 2019, GIẢM ĐƯỢC 1.108 HỘ NGHÈO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thực hiện chủ trương mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo là đồng bào DTTS (bắt đầu từ năm 2019), Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 168-KH/TU ngày 08/4/2019 về việc rà soát, phúc tra số liệu và các chính sách thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Qua kết quả phúc tra, rà soát của 11 đoàn công tác do các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp tham gia, Ban Chỉ đạo đã tổng hợp nguồn lực thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số là 61.702,805 triệu đồng, tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ 319 căn nhà; hỗ trợ sửa 25 căn nhà; Hỗ trợ đất ở cho 2 hộ;  Hỗ trợ xây 272 nhà vệ sinh; Hỗ trợ bò giống cho 524 hộ (2 con bò/hộ); Hỗ trợ nông cụ cho 98 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 01 máy phát cỏ và 01 bình xịt thuốc; Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 53 hộ; Hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với 258 hộ được vay vốn ưu đãi tín dụng, với tổng dư nợ 12.719 triệu đồng, dư nợ cho vay bình quân 49,3 triệu đồng/hộ; Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ thông tin thông qua việc cung cấp ti vi cho 52. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 66 người DTTS; Hỗ trợ kéo điện lưới cho 33 hộ và hỗ trợ các nhu cầu khác như như mua 48 xe máy làm phương tiện buôn bán, hỗ trợ mô hình trồng nấm ....
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của các huyện, thị xã, thành phố cuối năm 2019, toàn tỉnh giảm 1.108 hộ nghèo DTTS, vượt 111% kế hoạch đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo DTTS cuối năm giảm xuống còn 3.437hộ/4.545 hộ đầu năm.
tang qua cho hoc sinh nguoi dtts tai xa phuoc minh huyen bu gia map da xu ly
Tặng quà cho học sinh người DTTS tại xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập.Ảnh A.N

NĂM 2020, TIẾP TỤC GIẢM NGHÈO 1.000 HỘ DTTS VÀ LÀM 1.000 KM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Năm 2020, tỉnh Bình Phước đặt chỉ tiêu giảm nghèo là 1%. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo theo quy định của Trung ương. Thực hiện giảm nghèo tập trung ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, các xã, thôn thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tập trung thực hiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới khi có hướng dẫn của Trung ương. Kinh phí để thực hiện khoảng 35.555 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương: 33.420 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển 18.756 triệu đồng; vốn sự nghiệp 14.664 triệu đồng). Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ theo phân cấp quản lý tài chính: 1.985 triệu đồng. Nguồn huy động đóng góp từ cá nhân, tổ chức.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương giảm nghèo 1.000 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các nhu cầu của đồng bào, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ 4.324 nhu cầu, với tổng kinh phí là 123.621 triệu đồng với những nội dung như: Hỗ trợ nhà ở (xây dựng mới, sữa chữa, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ đất ở). Hỗ trợ nước sinh hoạt;  Hỗ trợ kéo điện lưới; Hỗ trợ tiếp cận thông tin (ti vi); Hỗ trợ đào tạo nghề; Hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng; Hỗ trợ các nhu cầu tạo việc làm nâng cao thu nhập (chăn nuôi, nông cụ, trồng nấm, trồng cây ngắn ngày,…)...
Đối với việc làm 1.000 km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, tỉnh sẽ tập trung vào các nội dung và giải pháp cụ thể: Tập trung tuyên tuyền, huy động tối đa nguồn lực của cộng đồng dân cư tham gia xây dựng các tuyến đường bê tông xi măng. Từ tỉnh đến các địa phương phải tăng cường tháo gỡ các khó khăn để mở rộng dư địa cho làm đường. Nguồn ngân sách các cấp (cân đối, sử dụng đất, sự nghiệp giao thông...) phải được bố trí đủ so với chỉ tiêu đề ra. Các địa phương cân đối, bố trí đủ nguồn lực cấp huyện, xã nhằm đảm bảo chỉ tiêu giao. Các ngành: Tài nguyên, xây dựng, giao thông... phải tháo gỡ các nút thắt để mở rộng dư địa làm đường (đường chưa thể hiện trong quy hoạch, phân cấp loại đường nào thì đầu tư đường bê tông xim măng....). Năm 2020, do dư địa làm đường còn ít nên để thực hiện thành công chủ trương này, các địa phương phải thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo hướng ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, tổ/xóm đồng bào dân tộc thiểu số; Các xã phấn đấu về đích đạt chuẩn NTM, xã phấn đấu NTM nâng cao rồi mới đến các xã, phường, thị trấn còn lại./.

Nguồn tin: An Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây