Giở lại từng trang lịch sử, mỗi người dân Bình Phước đều rất đỗi tự hào với những chiến công trên quê hương, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, được sự chi viện của Trung ương và Bộ tư lệnh Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn các chi khu, cứ điểm trên đường 14 (Đồng Xoài, Bù Đăng), cùng lực lượng của trên đánh chiếm chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6/1/1975 tấn công giải phóng tiểu khu- tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa nhiều mặt: chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường, là một thực tiễn lớn để ta đánh giá khả năng phản ứng của Ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, đồng thời có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Phước Long đã tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng Phước Long còn là ngọn cờ hiệu triệu cho phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh Bình Phước cũng như cho cả miền Nam. Đến ngày 2/4/1975 trận đánh cuối cùng ở Chơn Thành - Bình Phước hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân thù. Sau chiến thắng Phước Long, Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Phước được giải phóng đã phá vỡ một trong những tuyến phòng ngự kiên cố của địch ở phía tây bắc Sài Gòn, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân vào vị trí tập kết lực lượng và chiếm lĩnh bàn đạp tấn công Sài Gòn. Thời gian này Đảng bộ các địa phương, chính quyền và nhân dân Bình Phước tiếp tục lo tiếp quản, thu gom vũ khí, truy quét tàn binh địch, tình nguyện đi dân công phục vụ tiền tuyến, cùng cả nước sẵn sàng bước vào chiến dịch lịch sử. Bằng sự phối hợp chặt chẽ, bộ đội địa phương Bình Phước đã chiến đấu liên tục, giành thắng lợi quyết định từ chiến dịch đường 14 đến giải phóng toàn tỉnh năm 1975, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh độc lập, thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc cuộc chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với những thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Bình Phước đã viết tiếp trang sử vẻ vang tiếp nối truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Với những kết quả đạt được năm 2003 cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước đã được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu cao quý “Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đó là những thành quả từ trí tuệ, mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước sẽ là tiền đề, là động lực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng cả nước bước vào thời kỳ phát triển đất nước giàu đẹp, phồn vinh, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, dân thật giàu, nước thật mạnh, xã hội thật dân chủ, công bằng và văn minh với vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế.