TỈNH BÌNH PHƯỚC: LÀM TỐT CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
Thứ hai - 27/12/2021 21:323710
Tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), với 195.635 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Căn cứ tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước có 58 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó 5 xã và 25 thôn thôn đặc biệt khó khăn (khu vực III). Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy cùng với các nguồn vốn đầu tư thông qua các chương trình, chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS như: văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135, 193, 33, 755, 2085…đến nay tình hình sản xuất, đời sống kinh tế - an ninh - trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, một số hộ đồng bào dân tộc đã định canh, định cư có cuộc sống ổn định và đang trên đà phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả.
Thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Tổng nguồn ngân sách đã chi thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giúp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2021 là: 361.490 triệu đồng, trong đó kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào từ nguồn vốn Trung ương là 213.831 triệu đồng, thực hiện các chính sách:Hỗ trợ phát triển sản xuất (hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp: bò, dê, thuốc bảo vệ thực vật, bình xịt điện, máy phát cỏ) cho 2.588 hộ; Đầu tư cơ sở hạ tầng được 94 công trình như: công trình đường GTNT; công trình trường học; công trình điện; công trình nhà văn hóa; công trình thủy lợi; công trình giếng nước; Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được 450 lượt cán bộ cơ sở và cộng đồng.Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 44 hộ, nước sinh hoạt phân tán 749 hộ và chuyển đổi ngành nghề 1.515 hộ; vay Ngân hàng Chính sách xã hội 337 hộ.Thực hiện được 09 dự án, ổn định cho 681 hộ; đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục cơ sở hạ tầng tại các dự án để giúp đồng bào ổn định định cư phát triển bền vững. Ngoài ngân sách của Trung ương phân bổ hàng năm theo quy định, tỉnh đã vận động các tổ chức hội đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh, của huyện và của cấp xã nơi có dự án hỗ trợ bằng nhiều hình thức cây, con giống, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật để đồng bào ở vùng dự án định canh định cư ổn định phát triển sản xuất, không còn du canh du cư và hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Phân bổ kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 85.606 người dân là hộ nghèo ở vùng khó khăn được thụ hưởng.Các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh doanh số cho vay từ năm 2016 đến 2020 cho hộ đồng bào DTTS là 328,36 tỷ đồng, với 16.125 lượt hộ vay.
Chính sách đặc thù từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện lồng ghép với nguồn ngân sách Trung ương thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021:
Tổng kế hoạch kinh phí lồng ghép đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào từ nguồn vốn ngân sách tỉnh là 147.659 triệu đồng, được phân bổ thực hiện các chính sách:Chính sách hỗ trợ già làng tiêu biểu trong đồng bào DTTS thông qua việc cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối...(mua báo, tạp chí); thăm hỏi nhân dịp lễ Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào dân tộc; thăm ốm đau...; thăm gia đình già làng khi thiên tai, hiếu sự...; mua bảo hiểm y tế và xăng xe đi lại. Hỗ trợ xây dựng nhà ở: Ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm cùng với nguồn vốn Trung ương để xây dựng hoàn chỉnh nhà ở tại các dự án tập trung định canh định cư theo Quyết định số 33/2013/QĐ - TTg, với định mức là 10 triệu đồng/hộ/căn nhà, thực hiện cho 642 hộ/642 căn nhà với kinh phí là 6.420 triệu đồng.Hỗ trợ theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh gồm: Kinh phí cho sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang học (không thuộc hệ cử tuyển) tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm các khoản sinh hoạt phí hàng tháng bằng 0,4 lần mức lương cơ sở/10 tháng/năm - trung bình là 5.200.000đ/em/năm. Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người có uy tín theo quy định và xăng xe đi lại là - trung bình 1.200.000 đồng/người/năm.
Qua tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020, và kết quả giảm 1000 hộ nghèo DTTS đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả, cụ thể: Đầu giai đoạn (năm 2016) tỉnh có 6.490 hộ nghèo DTTS, tỷ lệ 15,3% trên hộ nghèo DTTS. Từ năm 2019, tỉnh triển khaichương trình đặc thù riêng (chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS) nhằm tập trung sự chỉ đạo, nguồn lực ưu tiên giúp các hộ nghèo DTTS thoát nghèo bền vững. Do đó, đến năm 2021 tỉnh chỉ còn 1.803 hộ nghèo DTTS, tỷ lệ 1,75% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm giảm 2,25% đạt 112% kế hoạch được giao.
Song song việc phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo vùng DTTS, tỉnh đã triển khai thực hiện giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên tất cả mọi mặt đời sống xã hội, như: tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; triển khai chiến lược và chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; hỗ trợ sinh viên DTTS con hộ nghèo, cận nghèo đang theo học các trường ĐH, CĐ, THCN; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người có uy tín, già làng tiêu biểu xuất sắc tạo điều kiện cho già làng, NCUT phát huy vai trò ở địa phương. Bên cạnh đó Ban Dân tộc tỉnh luôn theo dõi, nắm thông tin tình hình vùng dân tộc thiểu số để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập trong vùng dân tộc thiểu số.