Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia bầu cử
Thứ năm - 06/05/2021 21:221.1600
Bình Phước hiện có 09 tôn giáo đã được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động (gồm có: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Hòa hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Baha’i, Cơ đốc Phục lâm Việt Nam), với 245.203 tín đồ (chiếm 25% dân số), 362 chức sắc, 2.160 chức việc. Trong thời gian qua, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ thiện nhân đạo ở địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 45 – CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 01 – KH/BCĐ ngày 09/02/2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, Ban Chỉ đạo tỉnh nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện trọng đại đối với cử tri cả nước, trong đó có đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ xây dựng và phát triển, từ khóa I đến khóa XIV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo được Giáo hội giới thiệu, nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhân dân các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung, của đồng bào tôn giáo nói riêng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử sắp tới, các tổ chức tôn giáo quan tâm, phổ biến cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với đất nước, quê hương; khẳng định rõ đây là công việc quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân, là nơi để cử tri, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo phát huy quyền làm chủ, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Các tổ chức tôn giáo tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong độ tuổi theo quy định của pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia bầu cử; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang truyền thông của Giáo hội hoặc thông qua các buổi lễ, sinh hoạt tôn giáo để động viên, hướng dẫn tín đồ, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử và sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, để phục vụ nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh. Đồng thời, hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thường xuyên nêu cao cảnh giác, không nghe theo sự xúi giục, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu; chủ động kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng và tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động phá hoại cuộc bầu cử; vận động toàn thể cử tri là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đi bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân.