BÌNH PHƯỚC PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN, GIÀ LÀNG TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thứ hai - 28/03/2022 22:48 582 0
Tỉnh Bình Phước có 198.884 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh; có 05 xã, 46 thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; có 1.803 hộ nghèo DTTS, chiếm 50,53% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh. Trong đó Người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh có 364 người; Già làng có 94 người. Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt chính sách đối với NCUT, già làng. Qua đó đã vận động, tranh thủ được sự ủng hộ của NCUT, già làng trong việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, ngày càng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng DTTS, tạo niềm tin trong các dân tộc đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng, người có uy tín, già làng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng, người có uy tín, già làng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh
 
NCUT, già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, củng cố quốc phòng – an ninh và vận động đồng bào thực hiện, được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các DTTS, cụ thể:

Tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước:
Thông qua việc phát huy vai trò của NCUT, già làng của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng với việc cung cấp thông tin, cấp báo, tạp chí, tài liệu, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, pháp luật, NCUT, già làng trên địa bàn tỉnh nắm được những nội dung chính của chủ trương, chính sách về dân tộc và quy định của pháp luật, qua đó tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và về lĩnh vực dân tộc nói riêng. Từ đó tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống mới, giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc  xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương và tự lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vào năm 2021, nhiều NCUT đã đi từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn ấp thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự giác giữ gìn và thực hiện tiêm phòng đạt kết quả cao; vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho các khu cách ly, hộ gia đình DTTS khó khăn do dịch bệnh; Đồng thời tích cực tham gia bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và đại biểu Quốc hội khóa XV, thực hiện an toàn trong đại dịch với 99,98% cử tri DTTS tham gia.Tiêu biểu như ông ông Điểu PLô ở ấp 1, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh; ông Lâm Đay, người có uy tín, Bí thư chi bộ, trưởng ấp Ba ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; ông Thạch Đỏ, phường Tân Xuân, Tp. Đồng Xoài; ông Chàm Sa, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú; ông Điểu Rét, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp.

Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới:
NCUT, già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con định canh định cư, tích cực lao động sản xuất, tương trợ giúp nhau xây nhà tình thương, hỗ trợ đất sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, đồng thời nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, vận động bà con trong thôn tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả cao qua đó đã có nhiều hộ vươn lên làm ăn khá giả, có của ăn, của để. Các hoạt động xã hội hóa như đóng góp làm đường, nhà văn hóa, kéo điện, điện thắp sáng đường thôn, vận động đồng bào đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới… cũng có những đóng góp rất lớn của NCUT, già làng. Nhiều người đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, làm gương cho con cháu, cộng đồng noi theo, đoàn kết giúp bà con phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như: ông Hà Văn Hợp, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng; ông Hấu Phúc Hỷ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; ông Điểu Kem, xã Long Hà, huyện Phú Riềng; ông Điểu Khinh, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng; ông Điểu Thành, xã An Phú, huyện Hớn Quản; ông Điểu Nông, xã An Khương, huyện Hớn Quản.

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc:
NCUT, già làng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, với gần 30% đảm nhiệm các chức vụ như Đại biểu HĐND xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận và các đoàn thể, Tổ trưởng Tổ an ninh; tích cực tham gia làm thành viên các tổ chức đoàn thể nhân dân, tham gia các Tổ hoà giải. Những NCUT, già làng đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp; có ý kiến tham gia đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp. NCUT, già làng tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể, khuyến khích con, cháu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, động viên gia đình con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện qui chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. NCUT, già làng đã cùng với Ban thanh tra nhân dân, Ban công tác Mặt trận thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, giúp đỡ những cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ. Tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, thực hiện chính sách, nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Qua đó, trên địa bàn tỉnh có 41 dân tộc cùng sinh sống, đa số các dân tộc di cư từ các địa phương trên cả nước nhưng sống hòa thuận cùng nhau, không có sự mâu thuẫn về dân tộc trên địa bàn tỉnh. Điển hình như ông Ngưu Truyện, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú; ông Lý Dì Thành, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú; bà Hoàng Thị Sao, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp; ông Điểu Khăng, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng; ông Triệu Văn Thuận, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú; ông Lâm Liếc, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh; ông Điểu Cư, xã Thanh An, huyện Lộc Ninh; ông Điểu Hùng, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long; ông Điểu Lúc, xã Long Giang, thị xã Phước Long; ông Điểu Chon, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng; ông Lâm Hớ, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh; Ông Điểu Mun, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập.

Giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội:
NCUT, già làng luôn là những người đi đầu, trực tiếp giải quyết những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp cùng với chính quyền địa phương giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa nhân dân trong thôn với thôn khác và trong nội bộ thôn với nhau; cùng các gia đình thực hiện giáo dục thanh thiếu niên, con em trong gia đình tránh xa tệ nạn xã hội, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước, nhất là luật an toàn giao thông, phòng chống ma túy. Tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc không bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng  đất, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng có đóng góp quan trọng của đội ngũ những NCUT, già làng; là người đứng ra phân giải đúng sai, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng thôn, bản và trong từng gia đình. Đồng thời luôn cùng với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở đến từng gia đình vận động, thuyết phục bà con để bà con nhận rõ và không nghe, tin theo các thế lực xấu gây ảnh hưởng đến an ninh địa phương, an ninh vùng biên giới như: cùng phối hợp với công an viên, các đoàn thể trong thôn vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa và tố giác tội phạm; Thực hiện tốt các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, như vận động đồng bào hưởng ứng các hoạt động “Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày Biên phòng toàn dân”, “Ngày Quốc phòng toàn dân”, Tháng hành động phòng chống ma tuý, “Tháng an toàn giao thông”, vận động nhân dân có nhận thức đúng đắn về âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không nghe theo kẻ xấu xúi giục; vận động con em đồng bào các DTTS hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ NCUT, già làng ở địa phương đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng Công an phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:
NCUT, già làng tiêu biểu trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, NCUT, già làng đã thực hiện tốt đường lối chủ trương của đảng chính sách pháp luật của nhà nước, và tích cực tuyên truyền vận động người dân, đồng bào DTTS tại địa phương thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tham gia xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Là người am hiểu các phong tục, tập quán dân tộc và hiểu rõ việc xây dựng, phát triển văn hóa trong thời đại ngày nay, NCUT, già làng đã vận động nhân dân xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đăng ký thi đua thực hiện gia đình văn hóa, xoá bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn như: Xóa bỏ tập tục đâm trâu trả của, các hoạt động cúng bái mê tín dị đoan khi gia đình có người ốm đau, hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ...; Khôi phục Lễ hội phá bàu, Lễ mừng lúa mới, khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ dân tộc…Bên cạnh đó, NCUT, già làng vận động đồng bào thực hiện và giữ vững truyền thống văn hóa gia đình, thực hiện tốt Luật hôn nhân và gia đình, không thực hiện tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Trong giáo dục, NCUT, già làng đã vận động đồng bào tích cực đưa trẻ đến trường, không bỏ học giữa chừng, học để nâng cao nhận thức, học nghề để có việc làm, góp phần phát triển dân trí, kinh tế, xã hội của cộng đồng các dân tộc và xã hội.

Nguồn tin: Anh Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây