Điểm dân cư biên giới: Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh

Thứ ba - 14/09/2021 03:49 372 0
Những năm qua, tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 triển khai Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” trên địa bàn tỉnh, góp phần chăm lo đời sống nhân dân vùng biên, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Hình ảnh diểm dân cư trên địa bàn huyện Bù Đốp
Hình ảnh diểm dân cư trên địa bàn huyện Bù Đốp
Bình Phước có tuyến đường biên dài 260,433km, chạy qua 15 xã thuộc 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Đường biên giới dài, lại nằm trên địa bàn có địa hình phức tạp với nhiều khu vực rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, phân bố không đều, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông, kinh tế - xã hội kém phát triển… Những yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu, buôn bán ma túy, hàng cấm, tội phạm lẩn trốn,… làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự xã hội, gây khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh trên tuyến biên giới. Vì vậy, tập trung xây dựng và phát triển các điểm dân cư biên giới là chủ trương lớn, hướng đi mới có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.

Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 7: Việc phối hợp với các tỉnh xây dựng điểm dân cư biên giới là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu phát triển tư duy, lý luận về quân sự, quốc phòng thời kỳ đổi mới và bài học “lấy dân làm gốc”, “xây dựng thế trận lòng dân” đã được hun đúc, kiểm nghiệm qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nhằm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Thực hiện chủ trương trên, giai đoạn 2019-2025, Quân khu 7 sẽ xây dựng 12 điểm dân cư biên giới, bước đầu đưa khoảng 200 hộ dân lên sinh sống, làm cơ sở thu hút dân cư lên lập nghiệp. Nhằm khắc phục những hạn chế từ việc di dân ra biên giới trước đó, đặc biệt là hạn chế về chính sách, việc làm, cơ sở hạ tầng (điện lưới, đường giao thông, trường học, các công trình phục vụ dân sinh…)... Trong quá trình triển khai đề án, ngoài xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, Quân khu 7 còn phối hợp với tỉnh Bình Phước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế với củng cố, tạo lập thế trận biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh.

Sau hai năm thực hiện, 9 điểm dân cư liền kề các chốt dân quân biên giới được hoàn thành, bước đầu đưa 80 hộ dân lên sinh sống. Các hộ gia đình được tuyển chọn theo tiêu chí tự nguyện, chấp hành tốt pháp luật, có khả năng, điều kiện bảo đảm cuộc sống, định cư bền vững… Ưu tiên đối tượng là gia đình chiến sĩ dân quân tại các chốt biên giới, gia đình cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang. Mỗi hộ gia đình khi tình nguyện lên sinh sống được hỗ trợ xây dựng một căn nhà 72m2 trị giá 120 triệu đồng, bố trí từ 500m2 đến 6.000m2 đất ở kết hợp canh tác. Bước đầu hỗ trợ một số vật dụng sinh hoạt gia đình, cây, con giống và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để người dân tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, yên tâm bám biên.

Các gia đình khi được chuyển đến nơi ở mới đều rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự đồng hành hỗ trợ của lực lượng vũ trang Quân khu 7 và tỏ rõ quyết tâm lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Trong năm qua, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của Nhân dân, nhưng 100% hộ dân trong các điểm dân cư biên giới đều đăng ký thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời tích cực tham gia, hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch, ngăn chặn hoạt động buôn bán và đưa người qua biên giới trái phép. Từ đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới và lây lan trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, xây dựng các điểm dân cư biên giới là một chủ trương, một hướng đi đúng đắn. Trong quá trình triển khai đã có sự tính toán kỹ yếu tố phát triển kinh tế với củng cổ quốc phòng, an ninh và yếu tố an dân. Hiện nay, mặc dù còn khó khăn nhiều mặt, nhưng cơ bản các hộ gia đình đều có việc làm, tích cực tăng gia sản xuất, thu nhập tương đối ổn định. Các điểm dân cư đã thực sự tạo ra một diện mạo mới cho vùng quê biên giới, đó là diện mạo của sự đổi thay và phát triển, của sự ổn định lòng dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, xây dựng lực lượng tại chỗ, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Với quyết tâm của hệ thống chính trị các cấp, sự tin tưởng và phấn đấu vươn lên của người dân, trong tương lai, các điểm dân cư biên giới sẽ phát triển thành trung tâm văn hóa, xã hội, khoa học vùng biên. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng nhân lực, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Nguồn tin: Anh hanh – Bộ CHQS tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,819
  • Tháng hiện tại70,563
  • Tổng lượt truy cập1,248,552
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây