Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022): BÌNH PHƯỚC KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN.

Chủ nhật - 09/10/2022 23:22 333 0
Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 92 năm qua (15/10/1930 - 15/10/2022), đồng hành với sự phát triển của đất nước, đội ngũ những người làm công tác dân vận không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với nhân dân, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với ngành dân vận cả nước, Dân vận Bình Phước đã có nhiều nỗ lực tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận của hệ thống chính trị đạt được những thành quả to lớn, tạo ra sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đ/c Lê Thị Xuân Trang -UVBTVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại lớp tập huấn công tác dân vận năm 2022 (Ảnh: Báo Bình Phước Online)
Đ/c Lê Thị Xuân Trang -UVBTVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại lớp tập huấn công tác dân vận năm 2022 (Ảnh: Báo Bình Phước Online)
Bình Phước có sự phát triển khá nhanh và toàn diện, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng, văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều cố gắng, tuy là tỉnh vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chất lượng giáo dục khá tốt; công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm chăm lo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được tăng cường; xây dựng mặt trận, các đoàn thể có nhiều tiến bộ. Những kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác Dân vận, của đội ngũ những người làm công tác vận động quần chúng của Đảng từ tỉnh đến cơ sở.

Trong kháng chiến, Bình Phước- với những địa danh lịch sử như Phú Riềng đỏ, Sóc Bom bo, Tà thiết, Lộc Ninh, Đường 13, Đồng Xoài, Phước Long… đã góp phần làm nên một miền Đông huyền thoại “gian lao mà anh dũng”, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, từ những cán bộ Đảng của chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng- Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Bình Phước và của ngành cao su Việt Nam được thành lập vào đêm 28/10/1929, tại bờ suối khu rừng sau lưng Làng 3, từ những cán bộ làm công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia ủng hộ kháng chiến, tiêu biểu là hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc Sóc Bom Bo đã đi vào lời ca bất hủ “tiếng chày trên Sóc Bom Bo” đến các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận trong suốt mấy chục năm sau ngày giải phóng, và hôm nay bước chân của đội ngũ cán bộ dân vận vẫn không mỏi trên những chặng đường từ Đồng Xoài, Bù Đốp, Lộc Ninh đến Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, từ Bù Gia Mập, Phước Long đến Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long…với phương châm: gần dân, trọng dân, nói dân hiểu, làm dân tin, đội ngũ cán bộ dân vận đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tạo sự đồng thuận xã hội, Đảng nói dân tin, chính quyền làm dân ủng hộ, mặt trận, đoàn thể vận động dân theo. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của công tác dân vận, hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng của các địa phương, đơn vị đã được Thủ tướng chính phủ, được Ban Dân vận Trung ương, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng về công tác dân vận, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; hàng ngàn cán bộ trong tỉnh đã được Ban Dân vận Trung ương trao tặng kỷ  niệm chương “vì sự nghiệp dân vận” của Đảng nhân kỷ niệm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng 15/10 hàng năm.

Vào thời điểm được tái lập (01/01/1997), Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%, công nghiệp, thương mại dịch vụ quá nhỏ bé; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…). Thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là nhân sự các sở, ban, ngành ở tỉnh rất khó khăn, thiếu trầm trọng về số lượng, chủ yếu là các phó phòng ban, phó giám đốc các sở, ban, ngành của Sông Bé (cũ) chuyển lên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp, tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, tình hình diễn biến khá phức tạp…

Trải qua mấy chục năm xây dựng, phát triển và hội nhập, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua ổn định, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đầu năm ước đạt 9,01%. Trong đó ngành nông lâm thủy sản tăng 2,66%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16,24% (công nghiệp tăng 18,7%), dịch vụ tăng 8,73%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách 9 tháng đầu năm là 11.500 tỷ đồng, đạt 94,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 81% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, 9 tháng đầu năm ước đạt 3.140,75 triệu USD tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,6% so với kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.986,5 triệu USD tăng 4,08% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,75% so với kế hoạch năm. Hiện nay có 70/90 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 3/11 huyện thị hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; đối với 7 xã phấn đấu về đích năm 2022, bình quân số tiêu chí đạt 15 tiêu chí; 09 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, bình quân số tiêu chí đạt 14 tiêu chí; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,7% (kế hoạch năm 98,8%), tăng 0,3% so với năm 2021. Hoạt động du lịch đã triển khai thực hiện Chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Kết quả 9 tháng 2022, tổng lượt khách tham quan du lịch đạt 644.067 lượt khách, đạt 137,33% kế hoạch; trong đó khách nội địa 640.520 lượt khách, đạt 136,95% kế hoạch; khách quốc tế 3.547 lượt khách, đạt 272,85% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 304,66 tỷ đồng, tăng 129,19% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Những năm gần đây, phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Triển khai quán triệt, học tập và cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết và văn bản kết luận, chỉ đạo của Trung ương về công tác vận động quần chúng. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ đề mà Ban Dân vận Trung ương phát động, như “Năm dân vận chính quyền”, năm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; tập trung giải quyết được những vấn đề phức tạp, điểm nóng, kịp thời dự báo những tình huống có thể xảy ra để tham mưu lãnh, chỉ đạo có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận. Kết quả đã tạo những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới.

Những kết quả bước đầu này là trái ngọt của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực hết mình, quyết tâm của hệ thống dân vận cấp ủy các cấp trong tỉnh. Tự hào về những thành tựu to lớn trong mấy chục năm qua, đứng trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận của Đảng ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn về trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi vẻ vang của mình.

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, những người làm công tác dân vận sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, không ngừng tu dưỡng, học tập, phát huy tinh thần trách nhiệm, vững vàng về chuyên môn, thực sự phải là “tuyến đầu” của Đảng, đề xuất cấp ủy những chủ đề sát đúng, những chủ điểm hay, có tính đột phá và muốn vậy chắc chắn phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây