Bình Phước là tỉnh biên giới, lại tiếp giáp các tỉnh khu vực Tây nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số của tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua các văn bản chỉ đạo của trung ương, trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể cần thực hiện một số nội dung và giải pháp trọng tâm như sau
1.Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nắm vững, nhất trí, thống nhất với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm rất quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò của người đứng đầu trong đối thoại, tiếp xúc với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
2.Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong Chỉ thị số 49 – CT/TW, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận số 65 – KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV thành chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án… phù hợp với thực tiễn, đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo từng vùng, từng dân tộc. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ gắn với công tác dân vận và phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện sống và mặt bằng dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của đồng bào như: Giải quyết về đất ở, đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, hạ tầng cơ sở,…; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện nghiêm, có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan nhà nước ở địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh.
3. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, chú trọng tới các đối tượng như: thanh niên, trí thức, tôn giáo,…; xây dựng các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025, phù hợp với trình độ dân trí, đặc điểm tình hình của từng vùng, từng dân tộc. mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành các quy định, quy chế cụ thể để đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia có hiệu quả trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước ở thôn, bản, làng, buôn, ấp để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế thực hiện công tác phối hợp với chính quyền và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, để tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức; phối hợp chặt chẽ có hiệu quả về công tác dân vận giữa Ban Dân vận cấp ủy với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biên giới, đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu của tỉnh hình mới; tăng cường công tác giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nhân dân các nước vùng biên giới gắn với đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
4. Tiếp tục cũng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Quan tâm, đổi mới việc xây dựng, củng cố hệ thống các cơ quan làm công tác dân vận ở địa phương, cơ sở; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng theo quy định; bảo đảm tỷ lệ hợp lý cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, mặt trận, đoàn thể, nhất là cán bộ chuyên trách công tác dân vận.
Tiếp tục chú trọng công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên mon, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm cán bọ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ít người, cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm là người dân tộc thiểu số làm công tác dân vận; quan tâm chế độ, chính sách đối với các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Chú trọng, tích cực, chủ động phối hợp và nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm túc quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phối hợp công tác dân vận giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; cụ thể hóa quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; đề ra nội dung phối hợp có trọng tâm, trọng điểm; từng nội dung phải có cơ quan chủ trì, làm đầu mối chịu trách nhiệm chính; có cơ chế đánh giá hiệu quả phối hợp, tránh những việc làm hình thức, ít mang lại hiệu quả.
Làm tốt công tác phối hợp xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan nhà nước chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức và nhân dân đóng góp ý kiến, thực hiện phản biện xã hội trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai, thực hiện chính sách dân tộc cần phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở; có cơ chế phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan, đơn vị liên quan để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện; đồng thời tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, nhân dân giám sát việc thực hiện.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường việc kiểm tra công tác dân vận với những hình thức đa dạng, tập trung vào việc thực hiện công tác dân vận ở các cơ quan nhà nước; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết các vấn đề bức xúc, khó khăn của đồng bào; xây dựng cơ chế cụ thể để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.