TÌM HIỂU QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi (khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Tham nhũng là “căn bệnh” của quyền lực, của mọi thời đại. Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đầy cam go và phải quyết liệt. Là “cuộc chiến” trên phạm vi rộng ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi tham nhũng không chỉ xảy ra trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà cả trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Nghị quyết Đại hội X của Đảng coi tham nhũng là một “quốc nạn”. Nó không chỉ làm hao hụt tài sản, ngân sách nhà nước, mà còn làm hao mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với đội ngũ thực thi công vụ. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được quan tâm thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, đề cao trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng của nước ta.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng
1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng nước ta, trong đó có công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ngay từ khi mới giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ, đã quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. “Người có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Người thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này. Những lời dạy của Người vừa sâu sắc, toàn diện vừa căn bản lâu dài; vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, dễ hiểu, luôn giữ được tính thời sự và còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng trong tình hình hiện nay” (Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Quảng Bình, ngày 05/11/2015). Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1969, Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm hơn cả giặc bên ngoài, là thứ bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác. Trong các bệnh đó có bệnh tham lam. Người phân tích: những người mắc bệnh này đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, chà đạp lên lợi ích của cách mạng, của Nhân dân. Do đó họ tự tư, tự lợi, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi.
1.2. Thấm nhuần tư tưởng của Bác coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm và tình hình thực tế trong quá trình xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng xác định tham nhũng là quốc nạn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do đó, công tác xây dựng Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Nghị quyết Đại hội đại biểu quốc lần thứ IX của Đảng xác định một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ đó là tệ nạn tham nhũng, nó bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức. Nghị quyết đánh giá: “tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Trong nhiều văn kiện, hội nghị của Đảng và Nhà nước ta cũng đã thể hiện quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh với các hành vi tham nhũng nhằm đẩy lùi, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả xấu của tệ nạn này.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhận định: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Nghị quyết xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Từ đó, Nghị quyết đề ra giải pháp: các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế…Đây là một trong những giải pháp mang tính toàn diện mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tiếp theo.
2. Quá trình hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng
2.1. Giai đoạn hình thành bộ máy và quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng
Trong giai đoạn kháng chiến, các văn bản hành chính thường được ban hành dưới dạng sắc lệnh.
“Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ: giám sát tất cả công việc và nhân viên của các UBND và các cơ quan của Chính phủ. Sắc lệnh đã ban cho Ban Thanh tra đặc biệt “thượng phương bảo kiếm” với các chức năng: nhận đơn khiếu nại của Nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét tài liệu, giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử” (Báo Công an nhân dân online ngày 08/5/2007(*)). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn kháng chiến, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát được hình thành nhằm bảo đảm tính chất chính quyền của dân, do dân, vì dân. Công tác thanh tra còn bảo đảm ngăn chặn mọi tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.
“Ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 223 về việc:“xử phạt tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân”. Sắc lệnh 223 là đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ có 05 điều với 300 chữ nhưng hội đủ nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật về việc phòng chống tham nhũng, thể hiện tính nghiêm minh và nhân đạo của Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân. Sắc lệnh 223 thể hiện tư tưởng của một vị lãnh tụ vĩ đại, là tài liệu học tập giá trị đối với các nhà hành pháp, các nhà tư pháp, các luật sư và Nhân dân. Sắc lệnh 223 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành cuộc chiến không khoan nhượng với giặc “nội xâm”…”(*).
Ngày 04/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cử cụ Tôn Đức Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ sung chức Thanh tra đặc biệt toàn quốc. Kể từ đây bộ máy về công tác thanh tra dần được hình thành và đảm nhận trọng trách nhiệm vụ đặc biệt. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, cụ Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng Thanh tra. Cùng với việc thành lập tổ chức bộ máy, các quy định về phòng, chống tham nhũng được hình thành.
2.2. Hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng ngày càng được bổ sung hoàn thiện
- Pháp lệnh chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành ngày 26 tháng 02 năm 1998, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 1998. Pháp lệnh gồm 5 chương, 38 điều, trong đó đáng chú ý chương III gồm 10 điều, từ Điều 21 đến Điều 30 quy định về xử lý các hành vi tham nhũng. Những quy định khá chi tiết, cụ thể đối với các hình thức, biện pháp và mức xử lý đối với các hành vi tham nhũng.
- Pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành ngày 28 tháng 04 năm 2000, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2000; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Pháp lệnh gồm có 3 điều; sửa đổi, bổ sung Điều 3, Điều 13, Điều 21 của Pháp lệnh chống tham nhũng, trong đó quy định rõ hơn các hành vi tham nhũng, những việc người có chức vụ, quyền hạn không được làm và các hình vi tham nhũng bị xử lý hình sự. Việc ban hành Pháp lệnh đã đánh dấu bước ngoặt về cơ sở pháp lý về công tác phòng, chống tham nhũng. Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc tham nhũng, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các Pháp lệnh trên đã bộc lộ nhiều hạn chế về nội dung giống như tên gọi của Pháp lệnh, tập trung chủ yếu là các biện pháp chống tham nhũng là chính, chưa có nhiều quy định về phòng ngừa tham nhũng như: chưa quy định đầy đủ, cụ thể về sự công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước…; chưa có quy định nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chưa có cơ chế, quy định để thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về những điều cán bộ, công chức không được làm; chưa quy định đầy đủ, cụ thể về những người phải kê khai tài sản, thu nhập; chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, trách nhiệm và hoạt động phối hợp của các cơ quan liên quan… Tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp ở nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Do tính chất phức tạp của công tác phòng, chống tham nhũng mà từ năm 2005 đến nay, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung đến 04 lần, cụ thể:
- Luật số 55/2005/QH11: Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2006; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 gồm có 8 chương, 92 điều. Luật ban hành đã nâng cao tính pháp lý, bổ sung toàn diện hơn quy định về công tác phòng, chống tham nhũng so với Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998; tuy nhiên, Luật mới ban hành đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung vào năm 2007;
- Luật số 01/2007/QH12: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 04 tháng 8 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày công bố; Luật gồm có 02 điều, sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật 2005 về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và Điều 74 về giám sát công tác phòng, chống tham nhũng;
- Luật số 27/2012/QH13: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2012; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013. Luật gồm có 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản, điểm; bổ sung 09 điều: Điều 26a, Điều 26b, Điều 26c, Điều 26d vào sau Điều 26; Điều 32a vào sau Điều 32; Điều 46a, Điều 46b vào sau Điều 46; Điều 47a vào sau Điều 47; bổ sung Điều 53a vào Mục 5, Chương II trước Điều 54; bãi bỏ Điều 73 của Luật số 55/2005/QH11. Đồng thời, Luật cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật. Trên cơ sở đó, nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật PCTN năm 2005 đã từng bước tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác PCTN; cơ chế kiểm soát cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan PCTN bước đầu được củng cố, kiện toàn; công tác PCTN đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc ban hành các điều luật bổ sung như trên đã thể hiện sự bất cập, khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng. Các quy định của Luật PCTN và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005 cho thấy một số hạn chế, bất cập sau đây:
+ Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.
+ Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ áp dụng đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) dẫn đến khó thực hiện trên thực tế.
+ Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm giảm hiệu quả phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.
+ Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
+ Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập chưa hiệu quả.
+ Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan.
+ Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo còn chưa đầy đủ, chưa phát huy được sự tham gia của người dân trong việc phát hiện hành vi tham nhũng.
+ Thứ tám, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản pháp luật khác dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, thiếu biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật PCTN.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên; tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN; từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước; kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo tính đồng bộ với quy định liên quan đến PCTN trong các đạo luật được Quốc hội thông qua và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, việc ban hành Luật PCTN năm 2018 là rất cần thiết.
- Luật số 36/2018/QH14: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018; có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm có 10 chương, 96 điều. Luật bổ sung các quy định mới: mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; biến động tài sản từ 300 triệu đồng trở lên trong năm phải kê khai bổ sung; thời điểm kê khai tài sản, thu nhập hàng năm trước ngày 31 tháng 12; bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai; kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới trách nhiệm nếu xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Việc bổ sung các quy định điều chỉnh của Luật PCTN năm 2018 nhằm bao quát hết các hoạt động ngày càng phong phú trong thực tiễn, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của cá nhân người kê khai tài sản, thu nhập, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Luật đã xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”. Qua đó, góp phần hoàn thiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ về phòng, chống tham nhũng.
3. Một số giải pháp về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới
Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, thời gian qua các “đại án” tham nhũng đã được xử lý nghiêm minh, bước đầu tạo được niềm tin trong quần chúng Nhân dân, thu hồi được nhiều tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chặng đường còn dài và đầy cam go, thử thách. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức. Nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nặng nề.
Công cụ, giải pháp có nhiều, có đủ, tuy nhiên khâu thực hiện vẫn là khâu yếu. Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã ban hành “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, và giải pháp là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Muốn thực hiện được điều này trước hết trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống tham nhũng. Điều 72 Luật PCTN quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”. Đòi hỏi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kết hợp nhiều hình thức như tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật; học tập, noi gương Bác, nêu gương của người đứng đầu; đấu tranh xử lý hành chính, hình sự… Với phương châm “lấy đức trị xa, lấy pháp trị gần”, lấy phòng ngừa làm chính. Muốn phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức công vụ. Phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã mang lại kết quả bước đầu, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đề ra giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt vai trò giám sát của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Khi người dân là chủ thể, được thụ hưởng từ các chính sách, dự án, công trình mà mình tham gia sẽ tạo ra sự chủ động, tích cực và phát huy được trí tuệ tập thể, mỗi chính sách ban hành sẽ sát thực tế, hợp với lòng dân hơn.
Nguồn tin: Trần Tuấn - Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước