Bình Phước: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”
Thứ ba - 13/08/2024 23:243780
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương trong tỉnh Bình Phước đang được triển khai mạnh mẽ với rất nhiều công trình, dự án, từ đó làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới toàn diện.
Từ Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa vào văn kiện cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân đã được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát. Tuy nhiên, khi đề cập tới việc “dân thụ hưởng” lại trở thành chủ đề các thế lực thù địch phản động, phần tử cơ hội tìm cách xuyên tạc vô căn cứ để chống đối Đảng, Nhà nước ta.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, 6 tháng đầu năm, việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các hoạt động luôn được quan tâm, tổ chức thực hiện sâu rộng và toàn diện tới 11 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Kết quả công nhận lũy kế toàn tỉnh có 3/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long), 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 84,8% kế hoạch; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2/11 đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương ban hành quyết định công nhận (Chơn Thành, Đồng Phú); 1/11 đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình các sở, ban, ngành của tỉnh thẩm tra (Lộc Ninh). Hệ thống giao thông nông thôn phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Hệ thống trường học các cấp, mầm non, tiểu học, THCS khu vực nông thôn được củng cố và nâng cấp...
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ nguồn ngân sách trung ương trên 149 tỷ đồng, vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với số tiền gần 84 tỷ đồng. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phân bổ trên 20.000 tấn xi măng theo nhu cầu thực tế của các địa phương để làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù.
Trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là trung tâm hướng đến của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chính người dân là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, đồng thời trực tiếp thụ hưởng giá trị to lớn của quá trình đó. Và khi đã nhìn nhận được lợi ích của mình trong đó, nhân dân càng tin tưởng và đồng hành với Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định, cần có những giải pháp cụ thể như: Một số huyện, thị xã nằm trong quy hoạch khoáng sản, do đó ảnh hưởng lớn đến thực hiện các chỉ tiêu, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; một số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới còn nằm trong xã đặc biệt khó khăn trong khi chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao đòi hỏi chặt chẽ và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới. Kết quả giải ngân nguồn vốn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu do cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn về công tác lập kế hoạch, giao kế hoạch và quản lý sử dụng nguồn vốn từ trung ương đến địa phương còn chậm, dẫn đến quá trình chuẩn bị đầu tư, tạm ứng, thi công, nghiệm thu, thanh toán chậm tiến độ; tiến độ triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế đặc thù chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do nguồn xi măng phân bổ chậm, phân bổ vào mua mưa nên các địa phương khó triển khai thực hiện...
Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ được đặt ra là hoàn thành các mục tiêu trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục công trình, đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, Bình Phước phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,95/19 tiêu chí (bộ tiêu chí đạt chuẩn). Huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ huyện Lộc Ninh, Phú Riềng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trình trung ương thẩm định.
Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)