HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG "DÂN VẬN KHÉO" CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐỀU PHẢI LÀM DÂN VẬN

Thứ năm - 19/05/2022 00:27 419 0
Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949. Ngắn gọn và súc tích, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa cô đọng, sâu sắc tư tưởng của Người về công tác dân vận, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949
Ảnh: Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949
CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐỀU PHẢI LÀM DÂN VẬN
Một trong những nội dung quan trọng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân vận không phải là việc riêng của một hai người, một hai ban, ngành, không chỉ là công tác của các đoàn thể vận động quần chúng mà phải là của cả hệ thống chính trị, là “tất cả cán bộ chính quyền. Tất cả cán bộ đoàn thể. Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Cụ thể, theo Người, cán bộ chính quyền và các Đoàn thể địa phương là những người trước tiên phải làm/phụ trách dân vận, phải phối hợp chặt chẽ, “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức phân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn…”; “các cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân”; “hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.
Để làm dân vận đúng và tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đó phải là những người luôn tự mình làm gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng” và “phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”,v.v.. để nhân dân noi theo. Hơn nữa, vì “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”, cho nên, “muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”, rồi “phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành”... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải khắc phục “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
Giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận chính là: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tấm gương làm dân vận mẫu mực của Người đã được Đảng ta thấm nhuần và thực hiện.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, đã có nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường công tác dân vận được ban hành. Theo đó, cấp ủy, các cấp chính quyền, đoàn thể một mặt đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng; mặt khác, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương đã góp phần từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Việc chỉ đạo đăng ký các mô hình “Dân vận khéo” gắn với đấu tranh phòng, chống lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng và thực hành tiết kiệm góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG “DÂN VẬN KHÉO” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác dân vận cũng còn những hạn chế, cần phải khắc phục, đó là, việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Trong khi đó, một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác dân vận; ở một số địa bàn cơ sở, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội giảm sút vai trò lãnh đạo, thiếu sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Thực trạng này đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI ngày 3/6/2013, Chương Trình số 31-KH/TU ngày 06/9/2013 của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương mẫu mực của Người về dân vận, nhất là để “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân… Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong thời gian tới, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, mục đích, nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận trong tình hình mới. Cụ thể, gắn thực hiện công tác dân vận với tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 08/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Kết luận số 21 -KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thực hiện hiệu quả Quyết định số 23 –QĐ/TW và Quy chế số 19 –QC/TU, ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận của hệ thống chính trị;  Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chương Trình số 31-KH/TU ngày 06/9/2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kế hoạch hành động số 36-KH/BDVTU ngày 17/8/2021 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về công tác dân vận.
Thứ hai, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đa dạng các phương pháp, hình thức dân vận phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, mỗi địa bàn cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời, thông qua các hình thức, biện pháp sinh động, phong phú tuyền truyền, giáo dục để nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, để nhân dân thực hiện tốt vai trò “là chủ”, “làm chủ” của mình. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận, để các tầng lớp nhân dân đều có thể thông qua diễn đàn Mặt trận bày tỏ chính kiến của mình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động và kịp thời nắm bắt nhanh tình hình, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân để tham mưu Đảng, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thông qua đó, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nhân dân, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ và tinh thần, trách nhiệm của người làm dân vận trên tinh thần “không để sót một người dân nào” và “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện về vật chất, tinh thần và cơ chế để các tổ chức và người làm công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, nâng cao trách nhiệm với dân và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, điển hình đã có và tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình mới. Chú trọng xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn cơ sở, từng đối tượng gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh./.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây