HƠN MỘT THẬP KỶ "ĐỐT LÒ THAM NHŨNG" CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Thứ năm - 01/08/2024 06:25730
"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được..." - là những câu nói ví von, bình dị về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC thường nói, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Người "đốt lò tham nhũng" nay đã đi xa, nhưng di sản mà đồng chí để lại là đặc biệt lớn, với nhiều "biệt dược" chống "giặc nội xâm"...
Sự ra đời của một Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư
Tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Điều này là chưa có tiền lệ, bởi trước đó công tác PCTN thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu. Ngày 1/2/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký Quyết định số 162 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN gồm 16 đồng chí, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN - đánh dấu bước ngoặt lớn công tác đấu tranh chống "giặc nội xâm" của Đảng, Nhà nước ta lúc bấy giờ.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 4/2/2013, Tổng Bí thư nêu rõ: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN. PCTN là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan chủ nghĩa cá nhân, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ.
Tùy từng thời điểm, giai đoạn phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo lại có những chỉ đạo chiến lược, thích ứng. Tiếp xúc cử tri TP Hà Nội ngày 6/10/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ.
"Không phải chỉ sợ mất lòng tin của dân như chúng ta nói là "mất tất cả" đã đành, mà làm hại cho ngay nền kinh tế, chính trị. Dân không đồng tình, Đảng cũng không đồng tình. Lãnh đạo Đảng nhiều lần nói, không ai "bật đèn xanh" dung túng cho hành động tham nhũng, lãng phí" - Tổng Bí thư lý giải.
"Không phải chỉ sợ mất lòng tin của dân như chúng ta nói là "mất tất cả" đã đành, mà làm hại cho ngay nền kinh tế, chính trị. Dân không đồng tình, Đảng cũng không đồng tình. Lãnh đạo Đảng nhiều lần nói, không ai "bật đèn xanh" dung túng cho hành động tham nhũng, lãng phí" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Quyết liệt nhưng vẫn rất nhân văn Đặc biệt, khi tái đắc cử Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên một "chiến dịch chống tham nhũng" rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể. Chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư ví von: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
Tại Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chống tham nhũng phải thành nếp. "Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!". Tổng Bí thư nhiều khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào"; "chống tham nhũng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược"…
Tuy nhiên, bên cạnh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, quan điểm xử lý các vụ việc tham nhũng vẫn được đánh giá là nhân văn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị lấy "xây" là cơ bản, "chống" phải quyết liệt và rất quan trọng. Tại Họp báo bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để nói về công tác đấu tranh PCTN: "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ: "Phải cắt bỏ một vài cành sâu, mọt để cứu cả cái cây". "Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng"
"Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Kể lại câu chuyện mang tính cảnh tỉnh và răn đe nghiêm khắc về trường hợp hối lộ, xách vali "tiền đô" đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, do vậy nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. "Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ".
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới là cái gốc cần phải chống Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất đổi tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC thay cho tên cũ. Việc bổ sung từ "tiêu cực" để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. "Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong công tác đấu tranh PCTN,TC của Đảng ghi dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ đây, nhiều vụ việc TN,TC được Ban Chỉ đạo gọi tên và đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, như vụ Việt Á, vụ "Chuyến bay giải cứu", vụ AIC, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, "đại án" đăng kiểm, vụ án Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án Tập đoàn Thuận An... Và đi kèm với đó là nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành "dính chàm" đã bị xử lý kỷ luật về đảng, bị xử lý hình sự... bởi có các hành vi TN,TC, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã phải thôi giữ chức vụ vì liên quan đến quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu...
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư khẳng định, đẩy mạnh đấu tranh PCTN, TC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh PCTN, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Tổng Bí thư chỉ rõ, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng"; "kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể TN,TC".
"Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Sự nêu gương và ý chí của người cầm trịch Một trong những điểm đột phá trong công cuộc chống tham nhũng thời gian gần đây là sự thành lập Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh, khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN,TC ở địa phương, cơ sở, thể hiện đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", khắc phục hạn chế "trên nóng, dưới lạnh" như Tổng Bí thư thường nói. Kết quả là, số vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; "trên nóng, dưới cũng ngày càng nóng lên"...
Chỉ đạo Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh tháng 6/2023, Tổng Bí thư khẳng định, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương nên hoạt động phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "thành lập cho có", "được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Đồng thời, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống TN,TC quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: "Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư lưu ý các đồng chí, thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, "không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào", dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung. Đồng thời khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định TN,TC sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi "Non cao vẫn có đường trèo/Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi".
"Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: "Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm"; "Non cao vẫn có đường trèo/ Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
"Truyền lửa" cho "thanh bảo kiếm" Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN,TC, phối hợp rất chặt chẽ, bài bản và có hiệu quả với các cơ quan khối nội chính; có nhiều bước tiến mới trong điều tra, khám phá, xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước; đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án TN,TC đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước mà từ trước tới nay chưa xử lý được. Xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu theo tinh thần "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai"; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước - mà Tổng Bí thư vẫn thường hay nói: "Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được".
Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương tháng 12/2023, đề cập đến nét nổi bật trong đấu tranh PCTN,TC của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu không có bản lĩnh, không có phương pháp đúng, cán bộ không gương mẫu thì không làm được. Đây là nhiệm vụ đôi khi âm thầm không mấy ai biết, nhưng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng - là "giặc nội xâm" - cần làm không ngừng, không nghỉ. "Đấu tranh PCTN,TC là "mình tự cứa vào tay mình", nhưng chúng ta quyết tâm làm, chính vì thế mới củng cố, xây dựng được lòng tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ. Nếu không có Công an, Quân đội - những người trong sạch, trong sáng, biết cách làm thì làm sao làm được như thế. Nhìn qua thì tưởng đơn giản, nhưng phân tích ra mới thấy được công lao của các đồng chí rất to lớn", Tổng Bí thư biểu dương và mong Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an hết sức quan tâm, phát huy, vì cuộc đấu tranh này còn diễn biến phức tạp, không phải chỉ "ngày một, ngày hai", phải có bản lĩnh, trong sáng, gương mẫu, biết cách làm, kiên trì mới thành công...
Những lời động viên, căn dặn bình dị mà quý báu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng vừa "truyền lửa", tiếp thêm sức mạnh cho những CBCS làm nhiệm vụ khó khăn, thầm lặng, vừa là lời răn dạy để rèn "Thanh bảo kiếm" về danh dự, về bản lĩnh, kỹ năng chống tham nhũng..., vừa thể hiện niềm tin của Tổng Bí thư vào một lực lượng "Chỉ biết còn Đảng thì còn mình", giữ gìn và phát huy truyền thống Anh hùng của CAND Việt Nam...
"Đấu tranh PCTN,TC là "mình tự cứa vào tay mình", nhưng chúng ta quyết tâm làm, chính vì thế mới củng cố, xây dựng được lòng tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)