Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng đã xác định rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”; đồng thời khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.249, 248).
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Pháp lệnh số 34), ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi là Luật năm 2022). Luật này gồm có 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
Luật năm 2022 có rất nhiều quy định mới, đặc biệt là nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau đây là những điểm mới cơ bản:
1. Luật năm 2022 đã thay đổi bố cục của nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Trong Pháp lệnh số 34, vấn đề thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được quy định ở 04 chương (từ Chương II đến Chương V) với 21 điều (từ Điều 5 đến Điều 26). Luật năm 2022 đã có sự thay đổi về bố cục thể hiện bằng cách gộp các chương (từ Chương II đến Chương V) của Pháp lệnh số 34 vào thành một chương (Chương II). Chương này được chia thành 04 mục (Mục 1. Công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn; Mục 2: Nhân dân bàn và quyết định; Mục 3: Nhân dân tham gia ý kiến; Mục 4: Nhân dân kiểm tra, giám sát) gồm 34 điều (từ Điều 11 đến Điều 45)
2. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn
* Những nội dung công khai
Theo Điều 5 Pháp lệnh số 34, có 11 nội dung phải công khai thông tin cho Nhân dân biết, trong khi đó, theo Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì công dân được quyền tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ những thông tin không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện theo quy định. Như vậy, quy định của Pháp lệnh số 34 về các nội dung phải công khai hẹp hơn quy định của Luật Tiếp cận thông tin, hệ quả là không bảo đảm đầy đủ yêu cầu “dân biết” khi thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để khắc phục hạn chế này, Điều 11 Luật năm 2022 quy định có 14 nhóm nội dung phải công khai ở xã, phường, thị trấn, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật.
Bằng việc mở rộng phạm vi công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn., Luật năm 2022 đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền ... tiếp cận thông tin”. Việc người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ nâng cao hiểu biết và nhận thức, chủ động, tích cực, tự giác thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trên cơ sở được biết thông tin, Nhân dân mới kịp thời kiến nghị đến các cơ quan nhà nước để hoàn thiện chính sách, pháp luật.
* Hình thức công khai thông tin
Hình thức công khai thông tin rất quan trọng để người dân nắm được những nội dung có liên quan mà chính quyền công khai. Điều 6 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định có 03 hình thức công khai thông tin, đó là: Niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cấp xã; Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã; Công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân. Điều 12 Luật năm 2022 ngoài việc kế thừa 03 hình thức công khai thông tin như Pháp lệnh số 34, còn bổ sung thêm 07 hình thức công khai thông tin mới tại khoản b, đ, e, g, h, i, k.
Như vậy, Luật đã đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin ở cấp cơ sở để dân biết, để dân bàn theo đúng sự thật, đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, với tinh thần xây dựng, tích cực nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là một trong những điểm nổi bật của Luật.
* Thời điểm công khai thông tin
Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh số 34 quy định: Chính quyền cấp xã có trách nhiệm tổ chức công khai thông tin chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày văn bản được thông qua, ký ban hành đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.
Điều 12 Luật năm 2022 sửa lại là: “3. Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai”.
Như vậy, Luật năm 2022 đã kéo dài thời điểm công khai thông tin từ 02 ngày lên 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai.
Luật năm 2022 quy định riêng thời gian công khai trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 13 Điều 11, đó là: Đối với các thông tin về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã (khoản 4 Điều 11); Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện (khoản 13 Điều 11) thì UBND cấp xã phải niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã và được cập nhật khi có sự thay đổi.
Ngoài ra, Luật năm 2022 còn quy định cụ thể các hình thức để Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thông báo thông tin đến Nhân dân, gồm: thông báo tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể khác ở thôn, tổ dân phố; thông báo trực tiếp hoặc gửi văn bản thông báo đến từng hộ gia đình; thông qua tin nhắn đến đại diện hộ gia đình hoặc sử dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và đã được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.
Những quy định về công khai thông tin trong Luật năm 2022 đầy đủ và cụ thể hơn hơn, giúp Nhân dân tiếp cận được một cách đầy đủ, đa chiều các thông tin liên quan đến cuộc sống của mình, biết được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực để từ đó tích cực, chủ động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Trên cơ sở quyền được biết, Nhân dân mới có thể thực hiện quyền được bàn và quyết định, quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và quyền kiểm tra, giám sát đối với những nội dung liên quan tới đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của người dân ở xã, phường, thị trấn bằng những hình thức nhất định, phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật.
2. Nhân dân bàn và quyết định
* Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
Pháp lệnh số 34 quy định 03 nội dung Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Điều 15 Luật năm 2022 kế thừa 03 nội dung này và bổ sung thêm 03 nội dung Nhân dân bàn và quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của Nhân dân, các công việc nội bộ của cộng đồng dân cư.
Như vậy, các nội dung người dân bàn và quyết định được quy định rất đa dạng, phong phú, cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định, cũng như thực thi chính sách, pháp luật.
Để thực hiện các nội dung Nhân dân bàn và quyết định, Luật năm 2022 còn bổ sung quy định việc đề xuất nội dung Nhân dân bàn và quyết định tại Điều 16. Đây là quy định mới của Luật năm 2022 . Thực tế triển khai Pháp lệnh số 34 cho thấy Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do Ủy ban Nhân dân cấp xã chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất mà chưa có quy định về việc người dân được tự mình đề xuất sáng kiến, đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Điều 16: “Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất về nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội”. Việc bổ sung quy định công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có quyền đề xuất nội dung Nhân dân bàn và quyết định nhằm tăng cường việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, người dân sẽ tích cực tham gia hoạt động “dân bàn”, bảo đảm “dân bàn” được tổ chức thực chất hơn (còn nữa).