XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN VẬN HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Thứ sáu - 12/05/2023 04:53 21.636 0
Công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Cán bộ công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy
Cán bộ công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy
Có thể thấy, dân vận và công tác dân vận là tư tưởng lớn, nét đặc sắc có ý nghĩa quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn đề cao công tác dân vận trong hoạt động của Đảng ta. Người đặt vấn đề dân vận, công tác dân vận ở tầm chiến lược, quốc sách, đồng thời chú trọng tới phương pháp, cách thức thực hiện hết sức thiết thực, cụ thể, chu đáo, tỉ mỉ.

Có thể thấy, đối tượng công tác dân vận không phải là một cá nhân hay một nhóm xã hội nào mà là toàn thể nhân dân; hoạt động dân vận chính là nhằm thực hiện mục tiêu chung của cách mạng; nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức lực lượng nhân dân, đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, mọi cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ đảng viên, viên chức của hệ thống chính trị đều phải phụ trách công tác dân vận. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình mà có nội dung cụ thể về công tác dân vận. Trong quá trình thực hiện phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực chủ động, sáng tạo để có biện pháp vận động nhân dân cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà trực tiếp nhất chính là đội ngũ làm công tác dân vận. Theo chúng tôi, muốn nâng cao hiệu quả công tác dân vận đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải có uy tín cao, thuyết phục giỏi, khéo tuyên truyền.

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có uy tín cao. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác dân vận “phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Thực tế cho thấy, nâng cao uy tín và hoàn thiện các khả năng tuyên truyền, thuyết phục là yêu cầu để mỗi cán bộ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân một cách có hiệu quả thiết thực. Uy tín cao là phẩm chất hàng đầu của người làm công tác dân vận. Bời, để được quần chúng hiểu, tin  tưởng và làm theo thì nhất định người cán bộ làm công tác dân vận phải có uy tín, đó là những phẩm chất, năng lực có tác dụng thuyết phục, cảm hóa, thu hút người khác. Muốn có được phẩm chất này đòi hỏi phải rèn luyện, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích tập thể, lợi ích nhân dân cao hơn lợi ích cá nhân.

Hai là,  xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận giỏi thuyết phục. Giỏi thuyết phục là phẩm chất cần có thứ hai của cán bộ làm công tác dân vận. Ở kỹ năng này, cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động, khi tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhất thiết phải xâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân, phải hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng địa phương mới có thể thuyết phục hiệu quả.

Ba là, cán bộ dân vận phải khéo tuyên truyền. Khéo tuyên truyền là một trong những kỹ năng quan trọng của cán bộ làm công tác dân vận. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”. Theo Hồ Chí Minh, để đạt được hiệu quả tuyên truyền cán bộ làm công tác dân vận phải nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng, phải nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, trình độ khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”. Do đó, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, mà cụ thể phải nói được, làm được.

Công tác dân vận phải vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Do vậy, mỗi người làm công tác dân vận phải thực sự có những phẩm chất cần thiết, nhất là uy tín để thu hút quần chúng, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện các kỹ năng, phải giỏi thuyết phục, khéo léo khi tuyên truyền, biết vận dụng trong từng hoàn cảnh, đối tượng con người cụ thể. Quá trình này phải được bồi dưỡng, tu dưỡng, rèn luyện và được trưởng thành trong hoạt động thực tiễn tuyên truyền, vận động quần chúng. Cần phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm, đồng thời phải biết vận dụng sáng tạo, đó cũng chính là nhằm thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận khéo.

Nguồn tin: Anh Đào (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây