TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH: Về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Thứ năm - 11/03/2021 21:40 405 0
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử dân tộc, như Nguyễn Trãi đã kết luận: “làm lật thuyền mới biết dân như nước”; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Học thuyết Mác – Lê Nin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội mà còn là người quyết định vận mệnh của lịch sử trong sự nghiệp cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống Pháp thành công, đem lại giá trị lớn nhất là chế độ dân chủ cộng hòa. Từ đây, phạm trù “ý thức tôn trọng nhân dân” mới thật sự có giá trị thực tiễn, khẳng định tính khoa học, cách mạng và nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.

Tôn trọng nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, có dân là có tất cả. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tác vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”.

Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Kế thừa quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân, không xúc phạm nhân dân.

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ cộng hòa, Dân là chủ thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của Dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của Nhân dân”. Từ chổ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết dùng quyền làm chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được người giải thích ngắn gọn , súc tích là Dân làm chủ và Dân là chủ.

Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. mối quan tâm hàng đầu của người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là dân có quyền làm chủ và phải có bổn phận làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, …nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Muốn phát huy dân chủ thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Phát huy dân chủ là tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, nếu làm theo cách ra lệnh, cưỡng bức thì dân không hiểu, dân oán.

Về chăm lo đời sống nhân dân, năm 1946, trả lời báo chí nước ngoài, Bác nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và theo Người “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Với trọng tâm công tác dân vận năm 2021 là “đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trước hết đội ngũ những người làm công tác dân vận phải tiếp tục quán triệt, học và làm theo những quan điểm tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác “Về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”.

Nguồn tin: Trần Đức Mậu - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây