5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư, về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành quan tâm chăm lo đến nạn nhân da cam, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, tổ chức giám định để đủ các điều kiện được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước; giải quyết kịp thời đơn thư kiến nghị của công dân có liên quan đến thực hiện chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam, quan tâm xây dựng Nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất, thăm tặng quà nhân ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc, tạo điều kiện cho nạn nhân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% nạn nhân.
Một số nơi cấp ủy có cho chủ trương xây dựng quỹ hội từ nguồn đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân với mức mỗi hộ 10.000đ/năm như xã Bình Thắng huyện Bù Gia Mập, xã Tân Lập huyện Đồng Phú. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo xây dựng củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Hội như huyện Chơn Thành, Bù Đăng, thị xã Bình Long, Phước Long phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và cơ quan đài, báo trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, dành thời lượng phát sóng các chuyên mục về thảm họa và nỗi đau da cam, phản ánh chân thực cuộc sống họ, cũng như các phong trào, các cuộc vận động, những tấm long vàng đã ủng hộ vật chất, tinh thần để cùng với chính quyền sẻ chia những khó khăn, mất mát của nạn nhân, gia đình có người thân nhiễm chất độc dam cam/đioxin. Qua phong trào hành động “vì nạn nhân chất độc da cam dioxin”, “tết vì người nghèo, vì nạn nhân da cam”, MTTQ, các đoàn thể đã vận động được hàng tỷ đồng tiền ủng hộ, quyên góp từ các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Văn Thành – Chủ tịch Hội nạn nhân da cam tỉnh cho biết: Hội đã vận động được 22.350 phần quà với tổng trị giá 8,9 tỷ đồng, xây dựng 38 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 1,9 tỷ đồng, khoan 14 giếng nước trị giá 182 triệu đồng, hỗ trợ vay vốn sản xuất 19 trường hợp với tổng trị giá 365 triệu đồng. Ngoài ra các cấp Hội xây dựng quỹ hội để có điều kiện giúp đỡ nạn nhân khi gặp khó khăn hoạn nạn, và nạn nhân mất sức trên 81% sức khỏe. Tỉnh Hội xây dựng được nguồn quỹ là 1,03 tỷ đồng; các huyện, thị, thành phố xây dựng quỹ được 2,7 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã được toàn xã hội quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp có bước đổi mới, phát huy được vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thì việc tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 43-CT/TW của một số cấp ủy còn chậm, chưa kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc ở một số nơi chưa được thường xuyên; việc phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong việc giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, một số hồ sơ của người tham gia hoạt động kháng chiến còn tồn đọng; từng nơi, từng cấp hội hoạt động tuyên truyền, vận động còn thiếu chủ động, ỷ lại vào nguồn phân bổ của cấp trên,…
Để thực hiện tốt Chỉ thị 43 – CT/TW của Ban Bí thư, kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đòi hỏi cần phải tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ về thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; xử lý triệt để về ô nhiễm môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân da cam có thêm điều kiện, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.