Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 09/06/2020 10:43 704 0
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, Đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội đối với văn bản dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực giáo dục đào tạo
Các đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội đối với văn bản dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực giáo dục đào tạo
Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát. Trong những năm qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh và các ngành liên quan tổ chức giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã thành lập các Đoàn đi giám sát liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách; chấp hành thực hiện pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị; Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.vv.., Ngoài ra, MTTQ tổ chức giám sát thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn…
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, công tác giám sát và giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các  đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, thể hiện được vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát chú trọng đến những vấn đề được nhân nhân dân quan tâm, gắn với quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân như: Giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh; việc giải quyến đơn thư khiếu nại, kiến nghị của công dân; việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ “về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19”…Qua đó, đã góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể tỉnh cũng đã tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo như: Phản biện xã hội đối với dự thảo các quyết định của UBND tỉnh, các nghị quyết của HĐND tỉnh; dự thảo báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2020-2025; dự thảo bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước; đóng góp ý kiến đối với văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp…Qua đó, giúp cấp uỷ đảng lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình của địa phương, đồng thời chính quyền các cấp quản lý, điều hành phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể vẫn còn một số khó khăn, tồn tại hạn chế như:
Một là, việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, quy định còn chậm so với yêu cầu đặt ra; Việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện, giám sát, phản biện xã hội còn lúng túng. Tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số địa phương chưa cao. Vẫn còn hiện tượng một số nơi chưa chủ động triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy, việc đề nghị của các cơ quan nhà nước.
Hai là, trong quá trình giám sát, phản biện xã hội, một số đề xuất, kiến nghị của Mặt trận chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
Ba là, kết quả giám sát ở một số nơi còn hình thức, chung chung, dàn trải, thiếu số liệu cụ thể, chưa đề cập sâu đến những vấn đề giám sát; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện và cấp xã nhiều nơi còn lúng túng trong triển khai giám sát, phản biện xã hội; chưa áp dụng linh hoạt 4 hình thức giám sát, 3 hình thức phản biện xã hội.
Bốn là, chất lượng nhiều văn bản kiến nghị giám sát, phản biện xã hội còn chưa bảo đảm, nhiều nơi còn hình thức, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản. Một số nơi còn nhầm lẫn hoạt động giám sát với hoạt động kiểm tra nội vụ; nhầm lẫn hoạt động theo dõi thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước với hoạt động giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; nhầm lẫn giữa phản biện với góp ý; giữa phản biện xã hội theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội với các cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. UBMTTQ VN tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể trong thời gian tới như sau:
1. Từ kinh nghiệm những nơi làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cho thấy, cần có sự có quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và sự quan tâm của toàn thể nhân dân.
2. Phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phân định rõ nội dung Mặt trận chủ trì, nội dung từng đoàn thể chính trị- xã hội chủ trì. Trong tổ chức thực hiện phải linh hoạt, quan tâm đến những vấn đề lớn nảy sinh, không cứng nhắc chỉ làm theo kế hoạch.
Đẩy mạnh công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thề về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm có tác dụng, hiệu quả thiết thực; tránh giám sát, phản biện dàn trải, hiệu quả thấp.
3. Kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
4. Trước khi tiến hành hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đối với các vụ việc phức tạp, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, phân công trách nhiệm cụ thể cho các chuyên gia, nhà khoa học.
5. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị giám sát, kiến nghị phản biện xã hội phải khoa học, khách quan, trung thực, đầy đủ, có sự chắt lọc đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời đưa ra các giải pháp có tính khả thi, bảo đảm thời gian và sức thuyết phục đối tượng được giám sát, phản biện xã hội.
6. Phân công cán bộ có trách nhiệm, mở sổ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, được góp ý và sau phản biện của cơ quan tổ chức có dự thảo được phản biện.

Nguồn tin: Đoàn Tứ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây