BÌNH PHƯỚC: HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIỮ VỮNG AN NINH CHÍNH TRỊ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Thứ tư - 28/06/2023 04:12 309 0
Thực hiện tốt công dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị của địa phương.
Sự đa dạng các dân tộc thiểu số làm nên một Bình Phước phong phú về văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội cồng chiêng của đồng bào S’tiêng Bình Phước.
Sự đa dạng các dân tộc thiểu số làm nên một Bình Phước phong phú về văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội cồng chiêng của đồng bào S’tiêng Bình Phước.
Bình Phước, với đặc điểm là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc sinh sống; các dân tộc thiểu số có dân số không đều, cư trú xen kẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh; mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng đã tạo nên tính đa dạng và phong phú trong không gian văn hoá chung của tỉnh Bình Phước.

Quan điểm về chính sách dân tộc ở Bình Phước trong suốt những năm qua cho thấy sự nhất quán và xuyên suốt về bình đẳng. Bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Bình đẳng giữa các dân tộc ở Bình Phước thể hiện trước hết ở sự bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau. Đây vừa là cơ sở để đảm bảo công bằng xã hội giữa các dân tộc, vừa tạo động lực cho bản thân mỗi người phát triển. 

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp; tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh. Có 58 xã có tỷ lệ người DTTS từ 15% trở lên; 12 xã có tỷ lệ người DTTS từ 10 đến dưới 15%; Còn 41 xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số dưới 10%; Có 38 thôn của 21 xã có tỷ lệ từ 15% người DTTS; Tỷ lệ người DTTS sinh sống ở thành thị là 11.128 người chiếm 5,7% so với nông thôn là 184.507 người chiếm 94,3%.

Theo số liệu chính thức của Cục thống kê điều tra 52 dân tộc thiểu số (DTTS) vào thời điểm năm 2022, số liệu về các dân tộc trên địa bàn tỉnh như sau:

Tổng số người DTTS là 203.519 người, chiếm 19,67% dân số cả tỉnh. Toàn tỉnh có 41 thành phần dân tộc thiểu số và 01 thành phần người nước ngoài là 42, trong đó:

- 09 thành phần dân tộc thiểu số có dân số từ 1000 người trở lên, chiếm 98,12% tổng số DTTS, gồm: Dân tộc S’tiêng: 96.649 người; Khmer: 19.315 người; Mnông: 10.879 người; Tày: 24.862 người; Nùng: 23.917 người; Hoa: 8.409 người; Mường: 3.286 người; Dao: 3.104 người; Thái: 1.536 người. Có 32 thành phần dân tộc thiểu số khác là 3.678 người, chiếm 1,88%; Trong đó có 10 dân tộc thiểu số có dân số từ 10 người trở xuống là: Giẻ Triêng 10 người; Cơ Tu 6 người; Phù Lá 6 người; Pu Péo 3 người; 4 dân tộc đều có 2 người là Chu Ru, Lào, La Chí, Pà Thẻn và 3 dân tộc đều có 1 người là dân tộc Xinh Mun, dân tộc Lự và dân tộc Chứt. Người nước ngoài là thành phần dân tộc thứ 42 có 57 người chủ yếu ở thành phố Đồng Xoài. Trong tổng số 203.519 người DTTS, nam giới là 99.679 người chiếm 49,2% và nữ giới là 103.840 người chiếm 50,8% (tỷ lệ nam giới thấp hơn nữ giới - so với tỷ lệ của dân số toàn tỉnh nam 50,42% và nữ 49,58%).


Về tôn giáo: Toàn tỉnh có 243.060 tín đồ, trong đó đồng bào DTTS có khoảng 113.362 tín đồ  (chiến khoảng 46,64% tổng số tín đồ tôn giáo toàn tỉnh, chiếm 55,7% đồng bào DTTS): Theo đạo Tin lành: 65.425 người (chiếm 57,7%); Công giáo: 30.324 người (chiếm 26,7%); Phật giáo: 16.102 người (chiếm 14,2%); Cao Đài: 750 người (chiếm 0,66%); Hồi giáo: 458 người (chiếm 0,440%); Cơ đôc phục lâm VN: 280 người (0,24); Còn lại các tôn giáo khác: 23 người (chiếm 0,020%). Trong các dân tộc thì S’tiêng có tín ngưỡng tôn giáo đông nhất với 69.837 người (chiếm gần 72,26% dân số S’tiêng và chiếm 77,86 % số người theo tôn giáo), ¾ là theo đạo Tin lành, ¼ theo Công giáo và các tôn giáo khác.

Về giáo dục: Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2022 là 96,98%; Tỷ lệ trẻ người DTTS từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học năm 2022 là 95,60%; Tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đến năm 2022 là 93,83%; Tỷ lệ mù chữ của nữ người DTTS đến năm 2022 là 8,93%; Tỷ lệ học sinh nữ DTTS ở bậc tiểu học, THCS, THPT đến năm 2022 là 46,07%; Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở mầm non năm 2022: nhà trẻ 3,1%, mẫu giáo 59,7% (Theo Công văn số 3929/SGDĐT-GDTHMN ngày 16/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo). Toàn tỉnh có 07 trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp tỉnh: 01 trường THPT DTNT; cấp huyện: 02 Trường THCS&THPT DTNT, 04 trường THCS DTNT); năm học 2021-2022, có 2.122 học sinh (740 học sinh THPT, 1.382 học sinh THCS), tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng THCS, THPT đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp PTTH đạt 100%; năm học 2022-2023, có 2.319 học sinh (THCS có 1.452 học sinh, THPT có 787 học sinh).

Trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác dân vận của Đảng vùng đồng bào DTTS và công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân quan tâm chỉ đạo. Bám sát các chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về công tác dân vận, Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…; trên cơ sở đó tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế triển khai, đặc biệt là Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS hàng năm. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện; hệ thống giao thông đi lại được thuận lợi; bản sắc văn hoá tốt đẹp dân tộc được giữ gìn, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt; lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững. Những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào  dân tộc thiểu số, từ đó đã thay đổi trong nhận thức và hành động của đồng bào, tích cực tham gia học tập, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng.

Công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS thu được nhiều kết quả tích cực. Đầu năm 2020, toàn tỉnh có 6.691 hộ nghèo, chiếm 2,56 trên tổng số hộ dân, hộ nghèo DTTS là 3.417 hộ, chiếm 51,07% tổng số hộ nghèo. Đến năm 2023, toàn tỉnh còn 2.879 hộ nghèo (giảm 66,08% so với năm 2020), hộ nghèo DTTS là 1.696 hộ (giảm 51,4% so với năm 2020); chất lượng nguồn nhân lực có bước chuyển biến, trình độ dân trí được nâng lên, quy mô trường lớp được mở rộng; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng củng cố và phát triển... Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào DTTS tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống. Công tác chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, các cấp chính quyền và các đoàn thể quan tâm đầy đủ.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, đặc biệt là cây điều; giá cả một số mặt hàng nông sản chủ yếu (điều, tiêu, cao su,…) giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa; tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS&MN còn chậm, do vướng mắc về văn bản hướng dẫn thực hiện (chưa hướng dẫn đầy đủ, hướng dẫn chưa phù hợp thực tiễn); một số nơi đồng bào DTTS đời sống còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí còn thấp, bị tác động bởi những phần tử cực đoan nên còn trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài vẫn còn xảy ra, hoặc cung cấp thông tin một chiều, thông tin chưa đầy đủ cho báo chí. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chưa thật sự chú ý, coi trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thật sự đổi mới, chưa thật sự sâu sát, thấu hiểu, gần gũi với đồng bào. Trong khi đó, các phần tử xấu và thế lực thù địch đã lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sản xuất và sự thiếu hiểu biết về chủ trương, pháp luật của một bộ phận đồng bào, sự chênh lệch mức sống giữa vùng miền... để mua chuộc, dẫn dụ. Do vậy, công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn là nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên; trong đó cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách phải sát với nhu cầu đời sống, sản xuất của đồng bào, phù hợp với từng đối tượng thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực; phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, kể cả chuyên trách và cộng tác viên; đồng thời, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để có phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.

Hai là, phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, già làng, trưởng bản. Có thể khẳng định rằng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống;  phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, người làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề, nội dung cần tuyên truyền; trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiễu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền gắn với chính sách khen thưởng, động viên, chia sẻ đối với các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộ thiểu số.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào trong việc phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trang trại nhằm nâng cao thu nhập, đời sống; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.

Thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là động lực góp phần để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay3,796
  • Tháng hiện tại12,764
  • Tổng lượt truy cập1,314,827
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây