GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG VIỆC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, KẾT LUẬN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 17 CỦA TỈNH ỦY

Thứ ba - 11/07/2023 04:00 187 0
Ngày 10/7, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 nhằm đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Được sự phân công của Ban tổ chức Hội nghị, thay mặt cho ngành dân vận, Đồng chí Lê Thị Xuân Trang – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước trình bày Báo cáo tham luận: “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án, kết luận thực hiện chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy”
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị
Báo cáo nêu rõ, gần 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là việc thực hiện Chương tình hành động số 17, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. “Dân vận khéo” góp phần động viên nhân dân trên địa bàn tỉnh góp công, góp của, chung sức, đồng lòng, quyết tâm. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đột phá được triển khai, nhân rộng, các gương điển hình tiêu biểu về phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa mang lại hiệu quả thiết thực làm tiền đề quan trọng cho công tác vận động nhân dân đồng thuận cao với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
 
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện Chương trình hành động số 17 -CTr/TU ngày 30/9/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; tham mưu Tỉnh ủy các kế hoạch, đề án, kết luận về công tác dân vận để triển khai thực hiện; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát định kỳ, một số văn bản cụ thể: Kế hoạch số 93 -KH/TU ngày 25/6/2022 của Tỉnh ủy về Tiếp tục thực hiện Đề án 1217 “Nâng cao năng lực hoạt động và khả năng tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới” giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch số 121 -KH/BDVTU ngày 28/4/2023 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về giám sát việc thực hiện Chương trình số 17 -CTr/TU, đã tổ chức giám sát được 03 đơn vị: Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; 03 đơn vị tự giám sát: Đảng đoàn UB MTTQ VN tỉnh, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh và thực hiện Nghị quyết số 25 -NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Hướng dẫn số 169 -HD/BDVTW ngày 11/6/2013 của Ban dân vận Trung ương về công tác dân vận tham gia quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 924 -CV/TU ngày 07/12/2016. Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 94 -KH/BDVU ngày 23/5/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy đều xây dựng kế hoạch về tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm; MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dân vận trong việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội.
 
 
Đồng chí Ma Ly Phước – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư tại địa phương được triển khai theo 3 bước:

Bước 1: Công tác dân vận trong giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng chương trình dự án, triển khai dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bước 2: Công tác dân vận trong trong giai đoạn thực hiện.

Bước 3: Tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của Nhân dân trong quá trình thực hiện dự án.

Kết quả cụ thể về công tác dân vận đã tham gia một số dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư:

Giai đoạn 2021 - 2025 có 169 danh mục dự án toàn tỉnh được HĐND phê duyệt (tại Nghị quyết số 13/2016-NQ/HĐND ngày 06/12/2016; Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 02/7/2021). Sau khi có quyết định chính thức phê duyệt dự án, trước khi tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp, Chủ đầu tư cũng đã công khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức sinh hoạt như: mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin của địa phương, cung cấp tài liệu có liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản theo quy định.

Đối với lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ngày 30/6/2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy hoạch.

Tại các huyện, thị, thành ủy công tác dân vận tham gia các dự án điển hình như: Đồng Xoài thành lập 06 nhóm bao gồm các đồng chí UVBTV thành ủy, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn để tuyên truyền, vận động các hộ dân trong dự án như khu du lịch Hồ Suối Cam; dự án nạo vét Hồ Suối Cam (giai đoạn 2); đường Võ Văn Tần, đường Phan Bội Châu; đường Trường Chinh; đường Trần Hưng Đạo; đường Phan Bội Châu...với phong trào “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”, đã vận động Nhân dân hiến 45,2 ha đất, trị giá 542,5 tỷ đồng; ở Đồng Phú, Dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài lên Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú, phạm vi ảnh hưởng của dự án là 51 hộ dân, có tới 31 hộ tự nguyện hiến đất trị giá trên 31 tỷ đồng. Đặc biệt, 05 dự án đường kết nối từ đường ĐT741 vào Khu liên hợp Công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng với hành lang lộ giới là 106,18 ha, trong đó cần tổ chức vận động nhân dân hiến đất, hiến cây với tổng diện tích 77,768 ha, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2405 thành lập Tổ tuyên truyền (gọi là Tổ tuyên truyền 2405) đã vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, cây trồng với diện tích 74,86 ha; Chơn Thành: Dự án Becamex - Bình Phước, UBND thị xã đã phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư được tổng số 2.195ha, đạt 60,4% tổng diện tích quy hoạch dự án, hoàn thiện dự án khu dân cư, đô thị và dịch vụ, thương mại Suối Đôi, dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắc Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đang được triển khai; Đến nay, các huyện, thị trong tỉnh làm tốt công tác dân vận vận động thuyết phục kết hợp với nhiều biện pháp khác phát huy hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án.

Từ kinh nghiệm thực hiện các dự án, UBND huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ tuyên truyền để tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng dự án. Tổ tuyên truyền ở cấp huyện gồm các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, những người nắm rõ chủ trương, chính sách, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục cao; ở xã, phường, thị trấn có các đồng chí là Bí thư đảng ủy, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Sau khi xây dựng kế hoạch, thống nhất quan điểm, tổ đã tiến hành các bước triển khai chủ trương đến với bà con nhân dân trong vùng dự án. Với phương châm phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “Đối tượng nào phương pháp ấy” vận động thuyết phục là chính, tổ đã chia thành các nhóm nhỏ phối hợp với các địa phương không quản mưa hay nắng, ngày hay đêm, thứ bảy, chủ nhật …lúc nào người dân có ở nhà, thuận tiện cho công tác vận động là nhóm vận động lại lên đường. Cách tuyên truyền vận động, thuyết phục cũng cực kỳ linh hoạt, sáng tạo trong đó vận động cá biệt là chính. Có nhóm vận động những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nhóm tìm đến những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có nhóm lại tìm đến những người khó nhất… để vận động trước và quyết tâm vận động thành công. Mưa dầm thấm lâu, có những hộ dân ban đầu phản đối kịch liệt nhưng sau khi được tổ tuyên truyền đến vận động nhiều lần thì đồng ý và còn cùng đi vận động những người khác. Từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, hiệu quả vận động cao. Trong quá trình đến nhà vận động người dân, nhóm tuyên truyền phổ biến cặn kẽ các chủ trương, chính sách, lợi ích đạt được sau khi dự án hoàn thành.

Những hạn chế:
- Công tác dân vận tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác dân vận trước khi triển khai thực hiện các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, từ đó dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chính sách, pháp luật về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có lúc, có nơi chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng công trình, dự án chưa cao, có những thửa đất phải tổ chức thực hiện trình tự cưỡng chế, kiểm đếm bắt buộc, dẫn đến mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

- Việc đưa nội dung vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các dự án vào các phong trào thi đua yêu nước còn hạn chế.
- Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bố trí tái định cư, đào tạo chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng dự án có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Thị Xuân Trang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các đề án, kết luận thực hiện Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy cần thực hiện 4 giải pháp là:

Thứ nhất: Phải làm tốt công tác dân vận nhất là giai đoạn trước khi triển khai thực hiện dự án. Thực hiện tốt Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022, Đảm bảo đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất để thuyết phục, khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi. Nếu dân có vấn đề nào đó chưa hiểu phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, thấu suốt; nắm được thông tin và bản chất vấn đề để khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người mà dự án đi qua.

Thứ hai: Công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân phải được coi trọng và phải đi trước một bước; nhất định phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi: Phải chặt chẽ, kiên định, kiên trì, toàn diện, chắc chắn từng bước một.

Thứ 3: Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng phải có kế hoạch đưa nội dung vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các dự án vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần nâng cao hiệu quả trước mắt và lâu dài trong công tác tuyên truyền vận động. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tăng cường giám sát và phản biện xã hội, phát huy hiệu quả ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở.

Thứ tư: Thực hiện tốt an sinh xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và chủ đầu tư. Cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thỏa đáng trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Coi trọng công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, sinh kế cho nhân dân vùng dự án. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển bền vững./.

Nguồn tin: BBT (ảnh: BPO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,301
  • Tháng hiện tại34,454
  • Tổng lượt truy cập1,336,517
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây