Bình Phước: Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần củng cố khối đoàn kết cộng đồng dân cư, phát huy vai trò to lớn của Nhân dân, không ngừng nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ ba - 29/08/2023 05:08 546 0
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời. Các tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được xây dựng, củng cố và kiện toàn, đã trực tiếp giải quyết kịp thời những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, không để những mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản trở thành lớn, phức tạp; ngăn ngừa phát sinh tội phạm; hạn chế đơn thư khiếu kiện, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Luật hòa giải ở cơ năm 2013 và các văn bản, hướng dẫn thi hành luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ngày 07/01/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đã xác định việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Sau 10 năm triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 25 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật với trên 5000 lượt người tham dự gồm: Báo cáo viên, tuyên truyền viên; cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, các Chi hội đoàn thể, Hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng. 100% Ban Công tác Mặt trận ở  khu dân cư (846 KDC) trên địa bàn của tỉnh đều xây dựng, kết nối các trang, nhóm: Facebooke, Zalo...(trong đó có các Nhóm chuyên đề về công tác hòa giải ơ cơ sở), tạo điều kiện Ban công tác Mặt trận, Tổ hòa giải và hòa giải viên ở khu dân cư tận dụng tìm hiểu, khai thác, tra cứu cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan để vận dụng giải quyết các vụ việc hoặc nắm bắt, trao đổi thông tin về các vụ việc tranh chấp, xích mích ở cộng đồng dân cư xây dựng kế hoạch và phân công các thành viên tổ chức hòa giải theo đúng quy định.

UBMTTQVN các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền được 5.516 cuộc với 285.418 lượt người tham dự; phối hợp in ấn, cấp phát hàng chục ngàn tờ rơi, tờ gấp; xây dựng, biên soạn hàng chục nghìn bộ tài liệu, sổ tay về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và các nội dung có liên quan cho các Tổ hòa giải, hòa giải viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở để phục vụ thực hiện công tác hòa giải và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân.

Hiện nay toàn tỉnh có 846 Tổ hòa giải, với 5.383 hòa giải viên được công nhận theo quy định của pháp luật (trong đó: Nam: 3.892; Nữ: 1.491). Hòa giải viên là người dân tộc thiểu số: 940. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05-07 hòa giải viên/tổ. Thành phần Tổ hòa giải gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn (Tổ trưởng, Tổ dân phố), Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, Đoàn Thanh niên.... và mỗi Tổ hòa giải đều cơ cấu có thành viên là nữ; một số khu dân cư đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tín đồ tôn giáo thì mời thêm một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo tham gia thành viên Tổ hòa giải. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, có hiểu biết pháp luật, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hòa giải 13.157 vụ việc yêu cầu thực hiện hòa giải, trong đó hòa giải thành 8.456 vụ việc (chiếm tỷ lệ 64%), hòa giải không thành 4.691 vụ việc (chiếm tỷ lệ 36%). Nội dung các vụ việc chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, việc bạo hành gia đình, các tranh chấp, xích mích mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân… Nhìn chung, thời gian qua các Tổ hòa giải hoạt động tích cực, tỷ lệ hòa giải thành so với tổng số vụ việc hòa giải bình quân hàng năm đạt trên 65%, qua đó, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn xích mích trong khu dân cư, xây dựng, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân trong cộng đồng dân cư.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, tỉnh Bình Phước đã đề ra một số biện pháp chủ yếu, cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác hòa giải ở cơ sở; không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục phát huy vai trò của quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa các giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.

Nguồn tin: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây